CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

CHƯƠNG 37 – HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM


Nhà Hanội đã được chính thức công nhận theo Giáo Luật ngày 7-5-1929. Nhà Tập các thầy giáo sĩ được mở năm 1933 với hai Thầy Phêrô Sự và Giacôbê Nguyễn Trọng Cân. Hai thầy mặc áo 14-8-1933, khấn tạm ngày 15-8-1934. Lớp nhà tập mới có các chú xuất thân từ Đệ tử Huế: Henri Lộc, Gioan Thính, Alexis Julien Mân, Gioan Maria Dong và 3 người khác là Chuyên, Ngọc, Nhiêu mặc áo Dòng ngày 14-8-1934.
Hai Thầy Phêrô Sự và Giacôbê Nguyễn Trọng Cân
Sự kiện có các thầy Giáo sĩ khấn Dòng đặt vấn đề Học viện. Giải quyết thế nào về 2 thầy mới khấn? Thầy Giacobê Cân đã nhiều năm học tại đại chủng viện Qui Nhơn. Giải pháp trước mặt là Thầy Cân sẽ dạy Triết cho Thầy Sự. Tạm yên! Phải có nơi cho học viện.
Ngay từ ban đầu, Khâm sứ tòa Thánh, Đức cha Aiuti đã đề nghị lập Học viện tại Đalat và cha Bề trên Phụ tỉnh Edmond Dionne đã liên hệ với cha sở Đalat là thừa sai Nicolas và với Đức cha Dumortier để có đất làm công việc đó. Nha Trang cũng đã được nghĩ đến làm trụ sở Học viện, và thừa sai Vallet đã được  tiếp xúc để lo cho Dòng Chúa Cứu Thế có một sở đất tại đây. Cha Vallet đã xin chính quyền địa phương dành một khoản đất trên một ngọn đồi gần nhà Dòng Phan Sinh. Lao Cai cũng đựơc đề nghị làm nơi lập Học viện. Đức cha Jonghe cho đất ở Montseu, tỉnh Yunnan Trung Quốc. Rất tốt, hấp dẫn nhưng phải qua Tàu. Tất cả vẫn không có kết thúc. Nhưng làm gì với hai thầy vừa khấn? Cha Dionne đã liên lạc với cha Lausay ở Lille, Pháp, trong thư ngày 21-3-1934 và vị này đã sẵn lòng đón tiếp hai sinh viên. Thế nhưng có những dị nghị đối với não trạng đang có tại Pháp. Giải pháp gửi các thầy qua học viện Ottawa được đặt đến. Thế nhưng có những khó khăn: tốn kém quá lớn , khí hậu quá lạnh không hạp với người Việt-nam và còn ngại ngùng đến sự bền đỗ của các thầy mới khấn… Nhiều đắn đo, do dự. Cuối cùng cha Bề trên tỉnh Lévesque quyết định thành lập Học viện tại Hanội.
Sau khi cha Lévesque chủ sự lễ khấn đầu tiên của hai thầy Giáo sĩ Sự và Cân và lễ mặc áo cho lớp mới với Henri Lộc, Gioan Thính, Gioan Dong và Julien Mân ngày 15-8-1934, vấn đề Học viện được giải quyết. Cha Létourneau dạy Triết và Lịch sử, cha Joseph Laplante dạy Tín lý.
Nhà Tập lại đón nhận các Tập sinh mới mặc áo Dòng hôm 15-8: thầy Phêrô Nguyễn Hoàng Yến và thầy Linh. Với lễ khấn 4 thầy ngày 15-8-1935, Học viện đã có 6 thầy. Cha Bề trên Giám tỉnh nghĩ đến giải pháp đem các thầy Học viện và cả ban Giáo sư ở Tỉnh Mẹ sang Việt-nam.
 Quyết định của cha Bề trên Tỉnh L.P Lévesque đã chứng tỏ khôn ngoan, can đảm lạ thường. Quyết định đó được đem vào thực hiện khi nhóm các thầy Học viện thừa sai Canada được loan báo sẽ đến Việt-nam vào tháng 11-1935. Nhà Thái Hà được tân trang khả dĩ sẵn sàng đón nhóm sinh viên học viện từ Tỉnh Mẹ: Nhà Tập ở lầu trên. Các sinh viên Triết ở tầng dưới, 2 người một phòng. Những nhà cũ có sẵn sẽ dùng làm lớp học và nhà cơm.
Học Viện DCCT Thái Hà 1936: 12 sinh viên: 7 Thầy Canada đến VN năm 1935, 4 Thầy VN khấn năm 1935,
Thầy Cân khấn năm 1934. Cha Létourneau làm Giám Học
Ngày 9-11-1935 phải kể là một ngày lịch sử của Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam khi nhóm thừa sai gồm 11 người, 7 sinh viên và 4 giáo sư  đặt chân trên cảng Hải Phòng và về đến tu viện Thái Hà vào lúc 11g30. Các ngài mang theo đầy đủ các sách giáo khoa.
Danh sách các Thầy học viện Canada đầu tiên đến Việt-nam như sau:
  
Camille Dubé
Jean Marie Routhier
Marcel Bélanger
Charles Eugène Bolduc
Denis Paquette
Gérard Gagnon
Alphonse Marie Mathieu
Các Giáo sư có:
    Alphonse Tremblay
    Gérard Trempe
    Antonio Boucher
    Louis Philippe Chénard
Năm sau 29-9-1936 Tỉnh Mẹ lại gửi nhóm sinh viên học viện thứ 2, gồm 7 thầy cùng với cha Louis Roy, giáo sư  Tín Lý:
    Alexis Trépanier
    Georges Laplante
    Lionel Sirois
    Robert Forttier
    Jean Marie Labonté
    André Lamontagne
    Léopold Fortin
Nhóm học viện thứ 3 đến Việt-nam 1937, gồm có 2 Linh Mục là các cha Louis Philippe Vaillancourt, Rémi Bellemarre và 6 thầy học viện:
    Irénée Marquis
    Roland D’ostie
    Jacques Huberdeau
    Callixte Bérubé
    Michel Laliberté
    Maurice Benoit
Nhóm học viện thứ 4 đến năm 1940 với 2 Linh Mục là các cha Marcel Lupien, Simon Damphousse, với 3 thầy:
    Albert Raymond
    Sylvère Drouin
    Georges Galipeau
Nhóm thừa sai cuối cùng đến Việt-nam năm 1947 gồm có 2 Linh Mục: Cha Charles Eugène Raymond là Giáo sư Thần học Luân lý, cha Charles Octave Gagnon và thầy học viện cuối cùng là Laurent Proulx.
Như vậy, đã có tất cả 24 thầy học viện được Tỉnh Mẹ gửi tới Việt-nam, để làm khung cho Học viện này. Vào những năm đầu thì số sinh viên học viện người Canada đông hơn các thầy người Việt. Trong năm học 1935, tất cả học viện có 12 thầy: 7 Canada và 5 Việt, sau khi thầy Sự không tiếp tục đời tu trong Dòng.
Năm 1936, số sinh viên học viện Canada lên 14 người thì số các thầy Việt-nam chỉ có 9, tức là 5 thầy cũ với 4 thầy mới khấn.
Năm 1937, số sinh viên Canada là 20 thì số sinh viên người Việt thêm 5, lớp các cha Lành, Thanh, Toán, P. Lộc, G Bích nâng số Việt-nam lên 14. Và tỉ lệ các thầy học viện Canada- Việt-nam cứ tiếp tục tăng về phía Việt-nam. Sau năm 1950 khi thầy Laurent Proulx chịu chức Linh Mục thì học viện chỉ còn có toàn người Việt-nam.
Sự đóng góp rất đại độ của Tỉnh Mẹ cho Học viện cũng như cho Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam là rất đáng nể trọng. Quyết định đó khác hẳn với những gì mấy Dòng tu khác đã làm là gửi các tập sinh và học viên đi Aâu Châu hay Mỹ Châu. Quyết định này là bí quyết để các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam kế thừa vừa được hưởng truyền thống và tinh thần của Dòng Chúa Cứu Thế, vừa là một môi trường huấn luyện các thừa sai Canada và Việt-nam trong một sự trà trộn văn hóa, tư  tưởng và tính tình, tạo nên một cuộc sống huynh đệ, một tinh thần gia thất mà ngay giữa hàng Linh Mục vào thời ấy cũng còn có những cách biệt nhuốm mầu sắc phân biệt chủng tộc có ảnh hưởng tâm linh không tốt đối với những người cùng lao nhọc trên một cánh đồng chung. Mặc dầu cũng có những khó khăn, những dị nghị, những hiểu lầm, nhưng bầu không khí bác ái trong Dòng được triển nở.
Ai có thể đo được mức độ hy sinh và cả khổ đau thầm kín mà các người trẻ Canada đã lãnh nhận trong suốt thời gian sống tại “đất nước quê người”, sống với những con người khác mình về mọi sự: ngôn ngữ, của ăn thức uống, lối sống, lối suy tư và cả một quá khứ đầy những khác biệt nếu không nói là xung khắc nhau từ màu da, nước tóc, tính tình….
Có những điều dễ hiểu. Chúng ta đọc trong thư cha Dionne gửi ngày 19-12-1935: “Các liên hệ giữa các thầy học Canada và Việt-nam rất tốt. Dầu thế cũng có những người Việt-nam cho rằng họ cảm thấy thua kém đối với các thầy từ Canada sang. Có lý hay không? Đôi sự đụng chạm có thể xẩy đến. Về phía các thầy Việt-nam thì thầy Henri Lộc xem ra có khả năng để tạo nên sự hòa hợp. Vì thế không thể đặt vấn đề đưa thầy sang Ottawa…”
Cha Laurent Proulx, Ignatiô Diêm.
Cha Louis Roy Giám Học
Cuối năm 1935, cha Dionne viết: “Học viện nhận thêm các thầy Việt-nam mãn nhà Tập. Tỉnh Mẹ vẫn tiếp tục gửi thêm 3 sinh viên học viện Canada…. Chính sách không tốt là làm tràn ngập Học viện Việt-nam với con số các thầy Canada qúa lớn và cùng trình độ học như họ. Đệ tử viện và các chủng viện sẽ cho chúng ta một số ơn gọi. Phụ tỉnh đang tiến triển trông thấy và làm cho mọi người nể phục.”
Trong báo cáo về tình hình của Phụ tỉnh ngày 1-2-1936, cha Dionne viết về Học viện: “Tôi rất thích thú và ngạc nhiên trước sự hòa hợp giữa các thầy học và sự sốt sắng của 3 thành phần: các cha, các thầy học và các Tập sinh. Sự hiện diện của các thầy học đã góp phần đáng kể. Cách ăn ở về mọi mặt: lòng đạo đức, việc học hành, lòng bác ái, sự tận tâm toát ra từ  những học viên  Canada và  những  gì họ đã có được trứơc khi lên đường. Các học viên Việt-nam như được lôi kéo theo và họ cố gắng đem hết tâm lực vào đời sống tu và học. Có một sự cạnh tranh thánh thiện giữa hai nhóm trong việc cầu nguyện và học hành.”
Những khác biệt giữa hai dân tộc, hai văn hóa được lướt qua nhờ tinh thần gia thất Anphong, mặc dầu cũng có những bất trắc. Mà bất trắc trong cuộc sống chung thì ở đâu mà không có, ngay cả nơi những người cùng một dân tộc với nhau. Trong cuộc cấm phòng do cha MATEO, vị tông đồ của Thánh Tâm giảng cho các tu sĩ và cho Dòng Chúa Cứu Thế, ngài đã nắm bắt được những khó khăn đó và đã nói: “Tình yêu là lò lửa của cuộc sống nội tâm. Cuộc cấm phòng này sẽ giúp các thầy học viện, mặc dầu có những khác biệt làm nẩy sinh những va chạm, sẽ tạo thành “Cor unum et anima una”, một tấm lòng và một linh hồn duy nhất rất cần thiết không thể thiếu được trong một hội Dòng như Dòng của các thầy là một Hội Dòng có trách nhiệm loan báo Đức Giêsu Cứu Thế cho trần gian.”
nghỉ mát Mẫu Sơn
Trong thời gian này, các cha muốn tìm một nơi khác làm học viện. Di-linh, Dran được nghĩ đến. Cuối cùng vẫn giữ học viện ở Hanội và các Bề trên tìm một nơi làm nhà nghỉ mát cho các thầy trong những tháng hè.
 MẪU SƠN đã được chọn. Một nhà lá được dựng lên. Một cơn bão đã làm sập tường. Mẫu Sơn là nơi nghỉ mát của học viện. Cuộc nghỉ mát Mẫu Sơn đầu tiên từ 7-7- đến 11-9-1936: vừa nghỉ, vừa học, vừa tông đồ thực tế giữa những người dân tộc miền núi. Năm học 1936-1937 có các giáo sư như sau: Cha Louis Roy, làm giám học kiêm giáo sư Tín lý và Hùng biện. Cha A. Tremblay làm giáo sư Luân lý và Mục vụ. Cha J. Laplante làm giáo sư  Kinh Thánh, cha L.P. Chénard làm giáo sư Lịch sử Giáo Hội và Giáo luật, cha M. Létourneau dạy Triết và Khoa học.
XÂY DỰNG CƠ SỞ HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ  HANỘI
Nhà nguyện của Tu Viện và Học Viện Thái Hà
Nhà mát Mẫu Sơn  đã được quan tâm trứơc cả việc xây dựng cơ sở riêng làm học viện. Cha Bề trên Phụ Tỉnh Dionne chăm sóc sức khỏe của anh em trong Dòng khi nhìn thấy những thành phần trẻ từ Tỉnh Mẹ sang Việt-nam đã rất sớm phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, các bệnh nhiệt đới và phải nỗ lực để theo một chương trình học tập và tu đức giữa những hoàn cảnh mới.
Sau khi đã quyết định không đem Học viện đi nơi khác như nhiều đề nghị: Nha Trang, Nam Định, Đalat, Di-linh, Dran và cả bên Yunnan…, các Bề trên nghĩ đến việc xây dựng cơ sở Học viện ngay tại Hanội.
Ông Lagisquet đã hoàn thành các họa đồ, nhưng đã có sự phá hoại từ những… con chuột. Chúng cắn nát các họa đồ. Oâng Lagisquet đã phải cấp tốc vẽ lại để có thể khởi công như mong muốn. Cha Bề trên Gérard Michaud trông coi công việc.
Ngày 10-12-1936, công trình được khởi sự. Chi phí do nhà thầu dự toán là 58.000 đ, tương đương với 26,700 đôla thời ấy. Việc xây dựng tiến hành và chi phí đã lên đến 69.000đ chưa kể lương của ông Lagisquet là 1500đ.
Bên trong nhà nguyện Học viện Thái Hà
Học viện được khánh thành và làm phép ngày 31-3-1938.
Cha Louis ROY làm Giám học và ngài đã đạt kết quả tốt trong việc dẫn dắt học viện gồm 2 nhóm rõ rệt là Canada và Việt-nam. “Các học viên thuộc hai quốc tịch khác nhau mà sống chung hòa hợp với nhau không đụng chạm. Cuộc hôn phối giữa hai não trạng và tính tình khác nhau có vẻ khó khăn hơn đôi chút.” Mặc dầu được đánh giá là thông thạo tiếng Pháp các sinh viên người Việt cũng có lúc không hiểu cách nói của các thầy Canada “Đôi lần cũng có những đụng chạm giữa hai nhóm. Điều đó là bình thường. Có một sự cạnh tranh lành mạnh giữa 2 nhóm trong việc học, không ai chịu thua ai. Điều đó cũng thường xẩy ra ngay trong những học viên cùng một quốc tịch và không làm cho chúng tôi phải khổ tâm lắm.”
LINH MỤC TIÊN KHỞI DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐƯỢC PHONG CHỨC
TẠI VIỆT-NAM, CHA CAMILLE DUBÉ
Khi đến Việt-nam, Thầy CAMILLE DUBÉ chưa đầy 25 tuổi (sinh 18-7-1910) là người có học lực cao nhất trong các sinh viên thừa sai đầu tiên gồm 7 người đến Hanội ngày 9-11-1935. Thầy Camille Dubé là Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được phong chức tại Việt-nam trước hết. Thầy lãnh chức vụ Phó tế ngày 28-3-1936 bởi sự đặt tay của Đức cha Chaize, Giám Mục Đại diện Tông Tòa Hanội. Cha Camille Dubé cũng là Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế được phong chức đầu tiên tại Đông Nam Á.
Ngày 8-11-1936  là một ngày  trọng đại trong  lịch  sử  của  Dòng Chúa Cứu Thế  tại Việt-nam. Ngoài một số các thầy học viện thừa sai được lãnh nhận các chức nhỏ, người độc nhất đã tạo nên biến cố này là Tân Linh Mục Camille Dubé.
Biến cố này được chào đón với niềm hân hoan khó tả. Thánh lễ phong chức được cử hành tại nhà thờ của Dòng vào lúc 6 giờ sáng. Trước 5 giờ, cửa nhà thờ vừa mở thì giáo dân ùa vào, chiếm mọi chỗ, lên cả tầng đàn, leo lên cả tòa giảng. Người ta trèo qua cửa sổ để chiếm chỗ trong nhà thờ. Có những tiếng cãi cọ đó đây. Cha Bolduc kể lại rằng: “Những người lo trật tự phải hết sức mệt nhọc để có thể đem lại đôi chút trật tự. Thầy Jean Baptiste đã phải”đấm chỗ này, thụi bên kia”, thế mà vẫn không cản được dân chúng chen lấn và cãi lộn, đến độ Đức Giám Mục phải lên tiếng yêu cầu giữ trật tự và im lặng. Nhà thờ không lấy gì làm to đã chật cứng 1100-1200 người đang khi ngoài nhà thờ và quanh bờ hồ số người còn đông gấp bội. Tất cả bánh lễ dự trữ đều được giáo dân chịu sạch.
Cha Camille Dubeù
Hôm sau, 9-11, Tân Linh Mục dâng lễ đầu tiên và được anh em trong Dòng mừng trong bữa tiệc trưa với những bài hát, văn nghệ tạo bầu khí vui tươi huynh đệ. Tân Linh Mục đã viết lên những tâm tình trong ngày trọng đại mà thiếu vắng hình bóng của những người thân yêu theo huyết nhục, chứng tỏ tinh thần thừa sai của các thừa sai Canada, cách riêng của cha Camille Dubé. Cha viết ngày 13-11-1936:
“Những giờ tuyệt diệu của những ngày tốt đẹp được thụ phong và lễ mở tay đã đem lại rất nhiều hạnh phúc…. Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao…. Vinh dự được thụ phong Linh Mục tại xứ truyền giáo Đông Dương yêu quí. Không cần nói thêm về sự cách biệt với gia đình, vì sự đó cũng không đè nặng lắm trong những ngày qua. Thật ra thì đó là một điều rất êm ái vừa cho tôi vừa cho gia đình được thấy họ có mặt trong những ngày lễ đó và được ban phép lành đầu tiên cho họ. Nhưng thật lòng mà nói thì niềm vui đó có thể dễ dàng được bỏ qua khi người ta, như đối với tôi, được hạnh phúc như thế là quá đủ. Tôi có thể xác nhận với cha rằng, tôi đã nếm được hạnh phúc thật giữa anh em trong cộng đoàn của tôi hơn là những gì tôi có thể có được giữa những người cùng huyết tộc với tôi. Và hạnh phúc này lại không bị xao lãng và bắt tôi phải quan tâm đến những gì xa lạ đối với tâm tư trong những ngày này. Hạnh phúc đó cho tôi hưởng trọn vẹn những giờ phút đầu tiên của đời Linh Mục của tôi. Tôi hoàn toàn xác tín về điều tôi nói đây….”
“Niềm vui, hạnh phúc của ngày trọng đại nhất trong đời đối với vị thừa sai là được ở giữa những người anh em, không phải cùng ruột thịt máu huyết, nhưng là cùng chí hướng và sứ vụ Cứu Thế.”
Cuộc đời của vị Linh Mục thừa sai tiên khởi được thụ phong tại Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam đầy tràn hoa trái. Cha đã để lại gương sáng chói bởi lòng đơn sơ, nhiệt thành, niềm vui lan tỏa từ khuôn mặt và cử chỉ phúc hậu trong cuộc đời 93 năm, 67 năm Linh Mục, 40 năm làm thừa sai tại Việt-nam.
Vì được chỉ định trước cho Saigon, cha đã dùng thời gian mấy tháng ở Học viện để học tiếng nói theo Nam bộ với sự hướng dẫn của thầy Hoàng Yến, người gốc Cái Mơn. Nhưng cuối cùng thì cha được đưa về Huế, gắn cuộc đời với Đệ tử viện.
Cha Camille Dubé, giáo sư lớp Nhì (1941) tại Đệ Tử Huế. Còn 3 LM. DCCT (hàng đứng từ trái)
G. Định (thứ 3), Đ. Thừa (thứ 4), T. Tín (thứ 5)
Sau thời gian làm giáo sư Kinh Thánh tại Học viện Hanội, làm phó học viện từ năm 1937 đến 1939, cha được sai  về Huế, làm giáo sư và phó Đệ tử, để sau cùng kế vị cha Eugène Larouche trong nhiệm vụ Giám đốc.
Chúng tôi vẫn không quên được cảnh chia lìa dầu chỉ tạm thời khi tu viện và Đệ tử viện không còn các thừa sai Canada, khi Nhật Bổn chiếm Đông Dương và bắt các thừa sai ngoại quốc về giam lỏng tại nhà Morin sau ngày 18-7-1945 cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Sau Morin là cuộc nổi dậy của Việt-minh bắt đầu từ ngày 19-12-1946, rồi chiến tranh Pháp-Việt với rất nhiều khó khăn nối tiếp về an ninh, thực phẩm, học hành với các cuộc báo động dội bom và đạn pháo hai bên trên bầu trời xuyên qua nhà Dòng và nhà Đệ tử.
Chúng tôi còn nhớ mãi vị Giám đốc Đệ tử viện bôn ba xông pha giữa trận địa để tìm lương thực cho Đệ tử. Một viện đạn từ đâu đã làm cha bị thương ở tay. Các đệ tử sinh vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bàn tay nhuốm máu của ngài, nhưng cha đã trấn an con cái với một nụ cười hiền hậu.
Năm 1950 cha làm Bề trên nhà Huế. Năm 1952, sau thời gian về Canada nghỉ, cha nhập nhóm đi giảng Đại phúc cùng với cha Olivier. Ngày 7-9-1956, cha được chỉ định làm Bề trên Đalat, dạy khoa Giáo phụ và Phụng vụ. Cha giữ nhiệm vụ Giám tập từ ngày 10-9-1959 tại Nha Trang, kiêm Bề trên nhà, cha làm Giám Tập cho đến 1971. Sau đó cha làm thừa sai tại Đà Nẵng hết lòng với công việc bác ái đối với người già, trẻ mồ côi cho đến  lúc bị trục xuất khỏi Việt-nam ngày 17-9-1975. Cha truyền giáo tại Haiti. Cha qua đời ngày 1-4-2003.
Vị Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế được phong chức đầu tiên tại Việt-nam đã có một cuộc đời thừa sai rất phong phú. Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ Đệ tử, Tập sinh và lúc nào cũng dễ dàng chinh phục mọi người bởi những cử chỉ thân tình, nụ cười cởi mở và lòng nhiệt thành tông đồ của ngài.
LINH MỤC DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT-NAM TIÊN KHỞI:
CHA PHÊRÔ NGUYỄN HOÀNG YẾN
Cha Phêrô Nguyễn Hoàng Yến, LM DCCT Việt-nam tiên khởi
Vào thời gian buổi đầu học viện, thầy Henri Bạch Văn Lộc là người niên trưởng trong số các thầy học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam. Thầy có thể là người đầu tiên sẽ được phong chức Linh Mục, nhưng từ khi có các Đại chủng sinh vào Dòng, thì vinh dự ấy lại thuộc về Thầy PHÊRÔ NGUYỄN HOÀNG YẾN, một chủng sinh của Địa phận Saigon. Thầy Hoàng yến được phong chức Linh Mục ngày 8-6-1939 cùng với các cha Léopold Fortin, Robert Fortier và Charles Bolduc.
Cha Hoàng Yến đã phục vụ một năm 9 tháng tại Đệ tử viện Huế, chuyên dạy vẽ, lo nhạc. Sau này cha nhập nhóm thừa sai miền Nam, hăng say giảng Đại phúc. Cha quan tâm chiêu mộ ơn gọi tại miền Nam. Ngài đã lập Hội Bảo Vệ Luân Lý, thúc đẩy việc thực hiện phim ảnh Công Giáo, đặc biệt Phim “Aùo Dòng Đẫm Máu” về thánh Philiphê Phan Văn Minh. Cha đã qua đời tại Saigon ngày 24-3-1985.
LỄ PHONG CHỨC CÁC LINH MỤC XUẤT THÂN TỪ ĐỆ TỬ HUẾ
Sau cha Yến, vị Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam đầu tiên là đến lớp Linh Mục thứ 2 ngày 9-6-1940, có cha Alexis Trépanier, Gérard Gagnon, cha Giacôbê Nguyễn Trọng Cân xuất thân từ chủng viện Qui Nhơn và các cha đã qua thời gian đào tạo tại Đệ tử Huế: Henri Bạch Văn Lộc, Gioan Nguyễn Văn Thính, và cha Gioan M. Nguyễn Kim Dong.
9-6-1940: Lần đầu tiên có phong chức LM cho những người xuất thân từ Đệ tử viện Huế. (Từ trái sang phải): G.Dong, G. Cân, G. gagnon, H. Lộc, A. Trépanier,
G. Thính. Cha Giám học :M. Létourneau
HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐALAT
Đã từ lâu, Đalat đã được nghĩ đến làm Tu viện và Học viện của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam, nhất l.
Trong thơ 25-2-1947, viết cho cha Bề trên Tỉnh, cha Phụ Tỉnh E. Dionne đã nói với ngài về dự tính đem học viện về Đalat, trước tình thế khó khăn ở Hanội vừa do chiến tranh vừa vì đời sống đắt đỏ và nạn đói đe dọa.
Cha Bề trên tỉnh Thánh Anna đã gửim điện tín ngày 8-3-1947 với nội dung như sau: “Trong tình thế hiện nay, cha chuyển Học viện về Đalat là một viêc tốt. Các Thầy học viện có thể dễ sống hơn với của ăn, có thể nghỉ ngơi và học tốt hơn. Hãy quyết định và tôi chấp nhận”. Dự định không được mọi người ở Hanội đồng tình.
Vào thời gian đó, Đức Giám Mục địa phận Hanội đã mở lời xin Dòng Chúa Cứu Thế Hanội đón nhận một số chủng sinh khoảng mười người được tá túc hay ít là được theo học tại học viện. Đức cha rất lo lắng về những gì xẩy ra: 18 Linh Mục đã chết trong thời gian biến động, các chủng sinh không thể tiếp tục học hành vì các cha Xuân Bích đang còn bị giam cầm. Các thầy chủng sinh ở tại nhà tiểu đệ tử và theo học cùng với các thầy Học viện Dòng Chúa Cứu Thế. Tất cả 8 thầy.
Nhà Dòng và Học Viện Hà nội tháng 1 -1946
Trong thời gian này, tỉnh Mẹ vẫn gửi sang Việt-nam một nhóm thừa sai. Các ngài đến vào tháng 12-1947 trong khi cha Alphonse Tremblay nhận nhiệm vụ làm Bề trên Phụ tỉnh thay cha E. Dionne vào ngày 9-12-1947.
Cha Alphonse Tremblay sẽ có quyết định quan trọng này với việc xây dựng nhà Đalat và sớm đưa Học viện về đây.
Năm 1950, sau đại lễ Giáng sinh, học viện, nhà tập với các cha giáo sư, giám tập lên tầu từ Hải Phòng xuôi Nam. Lớp nhà tập có các cha nay là Tiệu, Quế, Phúc, Đỉnh, Do, Phú, Trung.
Học viện tạm trú tại những biệt thự thuộc “Cité des Pics” quanh hồ Đa thiện một thời  gian  trứơc khi dời về Núi Chúa Cứu Thế cạnh  đồi Pins Thouard  trong  ngôi  nhà  còn đang xây cất, nhờ sự lãnh đạo của cha Antoine Lapointe và về sau là của cha Denis Paquette. Các thầy học viện vừa học, vừa tham gia vào các công tác góp phần vào việc hoàn thành ngôi tu viện bằng đá khang trang này, nơi sẽ đào tạo các thế hệ Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam, trong một thời gian khá dài và với những điều kiện thuận tiện về môi trường và khí hậu.
Học viện Đalat được khánh thành trọng thể ngày 16-7-1952 vào đúng lễ Chúa Cứu Thế. Tu viện Đalat mang danh Chúa Cứu Thế đã được thành lập theo Giáo Luật ngày 25-2-1951.
Học Viện DCCT Đalat, dịp mừng Ngân khánh (1935 – 1960),
có sự hiện diện của Cha Bề trên Tổng quyền Guillaume Gaudreau
LỄ BẠC HỌC VIỆN 1960
Năm 1960 là năm có nhiều biến cố quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo  Việt-nam cũng như trong Dòng Chúa Cứu Thế.
Tại Việt-nam, cuộc giải phóng khỏi thực dân đã được thực hiện tại miền Bắc cũng như tại Miền Nam thế nhưng chiến tranh vẫn không chấm dứt. “Mặt trận giải phóng miền Nam” được thành lập và bây giờ không phải là Giải phóng khỏi thực dân mà nhắm đến thống nhất toàn nước. Người Mỹ đã can thiệp với quân đội của họ, làm xấu đi tình thế có lợi cho tuyên truyền về một cuộc xâm lược ngoại bang cần phải thắng vượt. Do đó mà những cuộc đi đó đây, nhất là về các vùng xa xôi hẻo lánh của miền Nam bị cản trở, khó khăn. Các cuộc Đại phúc không còn được dễ dàng thực hiện.
Năm 1960 là năm Học viện mừng Lễ Bạc Thành Lập 1935-1960.
Cha bề trên Cả G. Gaudreau và ban Giáo sư Học Viện DCCT Đalat (1960)
(Từ trái sang): T. Tín, G. Đài, G. Thính, I. Diệm, Tổng cố vấn Bodeke,
B.T. Cả G. Gaudreau, M. Lành, A. Tremblay, L. Roy, G. Thuấn.
Cha Charles Eugène Lavoie, trong thư gửi các ân nhân vào tháng 12-1960 có nói về tình trạng Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam sau thời gian 30 năm và học viện 25 năm: “Những người Chúa thương chính là quí vị, những ân nhân rất thân mến. Quí vị là những người đã cho Giáo điểm này được thành lập năm 1925, đã cho 70 người trẻ Việt-nam được trở thành Linh Mục, tông đồ của Chúa Cứu Thế,  những người đã cho 50 thầy học viện đang chuẩn bị để trở  thành Linh Mục, những  tông đồ theo gương  các cha  anh, những người  đã  cho  phép hơn 200 tiểu chủng sinh niềm hy vọng một ngày kia cả họ nữa cũng sẽ được bước lên bàn thánh.”
Năm 1960 đầy những biến chuyển dẫn đến việc trao Dòng Chúa Cứu Thế ở Việt-nam cho người Việt-nam. Sự kiện Dòng đã đạt tuổi 30, với học viện 25 năm và đã đào tạo nhiều tu sĩ Linh Mục
  
Nhà Đalat, nơi có học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam vào thời gian mừng 25 năm có cha G.B. Cái Viết Phúc làm Bề trên và vị Giám học là cha Alphonse Tremblay.
Lễ mừng 25 năm học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam được mừng trong 3 ngày. Ngày thứ nhất để tạ ơn Thiên-Chúa. Cha J.M Labonte Bề trên Phụ Tỉnh chủ sự, giảng, có sự hiện diện của một số đông trong số 68 Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam xuất thân từ học viện tham dự. Buổi chiều, Tổng Thống G.B Ngô Đình Diệm đến thăm. Buổi tối, tấn tuồng “Xử án Giêsu” của Fabri trong bản dịch tiếng Việt được các thầy Học Viện trình diễn.
 Ngày thứ hai có sự hiện diện của Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục Đalat, để cầu cho các ân nhân, bạn hữu và thân quyến của các anh em trong Dòng.
Ngày thứ ba nhằm ngày kỷ niệm, có nghi thức làm phép Nghĩa trang. Cha Giám học nói về “cái chết của người Kitô hữu và của người tông đồ.” Buổi  chiều   tấn  tuồng:
“Vous serez comme des dieux” của Gustave Thibon được trình diễn có sự tham dự của nhiều vị khách mời.
Mấy ngày sau, cha Tổng quyền Guillaume Gaudreau, cha Tổng cố vấn Bodeke khởi sự cuộc kinh lược đặc biệt.
VIỆT HÓA LÃNH ĐẠO VÀ GIÁO SƯ HỌC VIỆN
Các Bề trên Tỉnh Sainte Anne có chương trình và kế hoạch để đưa Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam đến bước trưởng thành tự lập. Cùng với việc chuẩn bị trao quyền lãnh đạo các nhà cho người Việt-nam, các ngài đã hoạch định chương trình để các vị lãnh đạo và giáo sư các cơ sở đào tạo đều là những người có đủ điều kiện về mọi mặt, cách riêng về trí thức. Một số các cha được gửi đi du học ở nước ngoài, tại những Đại học danh tiếng ở Âu Châu.
Hai người đầu tiên là các cha Têphanô Nguyễn Tín và Ignatiô Bùi Quang Diệm. Các ngài đã có học vị Tiến sĩ Thần học và Tiến sĩ Triết học, hai môn chính của Học viện. Hai cha đã trở về Việt-nam, nhận việc dạy Tín  lý Thần học và Triết học tại Học viện Đalat, từ những năm cuối thập niên 50.
Tiếp nối chương trình đó, các cha khác được liên tục gửi đi du học để có thể có Giáo sư cho các ngành khác: Thần học Kinh Thánh với cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, thần học Luân Lý với cha Antôn Trần Đình Phúc, xã hội với cha Phêrô Đặng Văn Đào, Phụng vụ với cha Micae Nguyễn Hữu Phú…
Công việc điều khiển Học viện được trao cho cha Têphanô Chân Tín, ngay vào nhiệm kỳ của cha Alphonse Tremblay từ 1956-1959. Đây là một biến cố quan trọng trong sinh hoạt của Học viện và của Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam.
Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho sự trưởng thành của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam trong mọi lãnh vực, kịp thời đáp ứng những điều kiện mới của một nước Việt-nam “độc lập, thống nhất” mà theo xét đoán bình thường thì khó mà không xẩy đến vào những năm chiến tranh dần đi vào chặng cuối.
Sau nhiệm kỳ Giám học của cha Chân Tín, các thừa sai Canada lại đảm nhiệm điều khiển Học viện với cha Alphonse Tremblay (1959-1961), và cha Jean Marie Labonté (1961-1967).
Từ 1967 thì chỉ còn các cha người Việt tiếp nối nhau trong nhiệm vụ Giám học: Cha Phêrô Đặng Văn Đào (1967-1968), cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1968-1971), cha Micae Nguyễn Hữu Phú (1971-1972) và cha Giuse Trần Ngọc Thao từ 1972 qua thời gian thay đổi với nhiều khó khăn do biến cố 1975.
Vào thời gian này, tất cả ban Giám đốc, ban giáo sư đều là người Việt-nam.
HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT-NAM VỚI CÔNG ĐỒNG VATICAN 2
Biến cố bậc nhất trong Giáo Hội Công giáo nửa bán thế kỷ 20 chính là Công Đồng Vatican 2. Sự kiện quan trọng này đã khởi sự từ vị Giáo Hoàng Gioan 23, người kế vị Đức Piô 12, người được đánh giá là “một Giáo hoàng chuyển tiếp”.
Tự sắc “Concilium” ngày 2-2-1962 ấn định ngày khai mạc Công đồng là 11-10-1962. Công đồng kéo dài qua 3 kỳ họp và kết thúc long trọng ngày 8-12-1965 dưới triều Đức Phaolô 6. Trong số 16 văn kiện Công đồng được công bố, có sắc lệnh PERFECTAE CARITATIS về “Canh tân Thích nghi Đời sống Dòng tu”, ngày 28-10-1965. Còn có những văn kiện khác liên hệ như sắc lệnh Optatam Totius về việc “Đào tạo Linh Mục” ngày 28-10-1965 và sắc lệnh Presbyterorum Ordinis ngày 7-12-1965.
Công đồng Vatican 2 được đánh giá là một Công đồng mở, một Công đồng Canh Tân trong mọi lãnh vực của con người, của thế gới và của Giáo hội. Tác giả và nội lực của mọi canh tân là Chúa Thánh Thần. Đoạn kết Sắc lệnh về “Chức vụ và đời sống Linh Mục” số 22 nói rõ:
 “Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội mở những con đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và khuyền khích những cải tổ hợp với chức vụ Linh Mục.”
Trong số 11 của Sắc lệnh về “Đào tạo Linh Mục”, Thánh Công Đồng nhấn mạnh: “Nhờ nền giáo dục khéo tổ chức phải nhắm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành  nhân bản khả đáng”, với “khả năng quyết định chín chắn và một óc phê bình xác đáng về con người và về các biến cố…, họ phải được huấn luyện cho có tính quả cảm… phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô.”
Trong sắc lệnh về đời sống Dòng tu, Công đồng Vatican 2 “tiên liệu những nhu cầu của các hội Dòng theo những đòi hỏi của thời hiện đại”(số 1). “Việc canh tân thích nghi đời sống Dòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của Hội Dòng cũng như sự thích nghi hội Dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại. Phải xúc tiến việc canh tân ấy dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Giáo Hội….”(số 2)
Mấy trích dẫn chớp nhoáng trên cũng đủ để làn khí canh tân, đổi mới trong Giáo Hội và cách riêng trong các Dòng tu được đón nhận nồng nhiệt.
Trong quan phòng của Thiên-Chúa, việc canh tân và thích nghi đời sống tu đã được chuẩn bị từ lâu. Tín lý Thần học đã có hướng Kinh Thánh và quy về Chúa Kitô với mầu nhiệm Phục sinh được cha Durwell nghiên cứu và phổ biến. Việc học Kinh Thánh được thúc đẩy với những tiến  bộ mới về  khoa học, khảo cổ. Luân lý  đã có  làn sóng “Tình yêu”
với những tác phẩm của cha Paul Hitz và Bernard Haring. Tất cả ba vị Thần  học nổi  tiếng đó đều là Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.
Các vị Giáo sư học viện như cha Chân Tín, cha Nguyễn Thế Thuấn… những tu sĩ gương mẫu đã đáp ứng những đòi hỏi về việc học theo đường hướng đó. Khía cạnh tích cực của việc canh tân còn thể hiện qua phương thế đào tạo “nặng nhân bản” hơn với chủ trương tôn trọng, phát huy sáng kiến cá nhân và sự tự do trách nhiệm. Ngay từ Học viện, các thầy đã được đưa vào môi trường sống, được tiếp xúc với đời, được đi thực tế. Bề trên không phải theo sát từng người để sẵn sàng bẻ lại những đường cong, chấn chỉnh lại những cái bị coi là thái quá, là nguy hiểm và sẵn sàng áp dụng chế tài….
Tiêu cực mà nói, sự đổi mới đó đã xem ra như bỏ qua và coi nhẹ những gì tạm gọi là “truyền thống.” Nhiều giáo sư lăn xả vào việc đời, chính trị, kể cả những tranh đấu xã hội, những hành động chống đối chính quyền hiện hành và phải thêm rằng có những hành động được đánh giá là “thiên tả”, trong thời gian có chiến tranh giữa hai hệ.
Không nói lại những gì chúng ta đã nói về thời thế giai đoạn Giám tỉnh của cha Benoit Lượng, Henri Lộc….
CÁC LINH MỤC GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN NGƯỜI VIỆT NAM TỪ NĂM 1956 – 1972
Cha Têphanô Nguyễn Tín 1956-1959

P. Đặng văn Đào 1967-1968







M. Nguyễn Hữu Phú 1971-1972

Cha G.Nguyễn Thế Thuấn 1968-1971









Thời gian này, cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, giáo sư Kinh Thánh, giữ nhiệm vụ Bề trên nhà Đalat. Cha Micae Nguyễn Hữu Phú làm Giám học. Trong số các giáo sư có Phaolô Nguyễn Ngọc Lan. Đã từng du học Châu Aâu, các ngài đã có những cách làm, phương hướng, chỉ thị tạm gọi là: “khác xưa”, nếu không muốn đánh giá là “cấp tiến”. Âu Châu, cách riêng Pháp không phải là Việt-nam và những gì người ta suy nghĩ, thực hiện tại Aâu Châu với nỗ lực đáp ứng một xã hội đã tục hóa nhiều không hẵn là giải pháp cho những cộng đoàn tín hữu tại Việt-nam. Nhiều “truyền thống” của tu viện, của học viện được thay đổi. Đang khi cha Micae Phú đưa vào nếp sống học viện những nghi thức, những lễ nghi theo quan niệm phụng vụ mà ngài đã học hỏi tại Pháp, từ việc không còn tiếng đàn dương cầm, không  còn Hợp xướng như  từ  trước đến  nay đến  nhiều  điều xem ra có vẻ “mới lạ”,
phần nào bãi bỏ những kiểu cách trước kia, đến tổ chức cách sống trong Học viện, tất cả đã có kết quả tạo nên những khó chịu đối với một thành phần nào đó của cộng đoàn, trong đó có những người đã từng là Bề trên, là Giám học, là Giáo sư rất khả kính.
Các Thầy học viện không còn bị khép vào một chương trình đều đặn như xưa. Các thầy không còn “Soli Deo et Studiis” chỉ có Thiên Chúa và việc học. Sự có mặt của các thầy vào các giờ chung không còn được đòi hỏi. Các thầy thường xuyên vắng mặt trong các việc chung: người thì đi dạy giáo lý ở các trường, các giáo xứ. Các thầy đến ở các giáo điểm Fyan, các làng thượng và có thể dấn mình vào các công trình lớn như việc đi khảo sát và nhập vào những giáo điểm mới như Pleikly, Cần Giờ. Có các giáo sư dính líu vào nhiều việc khác, kể cả chính trị, tranh đấu cho hòa bình thường dễ vắng mặt, tạo nên những lỗ trống trong các chương trình học hành. Dĩ nhiên, tất cả đều có khía cạnh tích cực trong sự trưởng thành những con người tông đồ và đưa đến dấn thân thiết thực, thế nhưng những cái “mới lạ” đó đã góp phần tạo bầu không khí bất đồng, khó chịu và chia rẽ trong nội bộ Cộng đoàn.
Từ thời buổi này, vào những tháng hè, các Thầy học viện chia nhau đến tại các nơi có Dòng Chúa Cứu Thế hoạt động, cách riêng các giáo điểm. Các Thầy hoạt động cùng với các cha các thầy tại cùng khắp, vừa tự đào tạo mình vừa rút tỉa những kinh nghiệm làm phong phú cho cá nhân và cho tập thể trong các buổi chia sẻ, báo cáo.
Nhờ những kinh nghiệm hoạt động tông đồ, nhiều thầy học viện đã tìm cho cả đời mình một hướng đi mà nổi bật nhất là tinh thần truyền giáo “AD GENTES” của những tu sĩ Linh Mục nay nổi danh thừa sai như cha Vương Đình Tài, Trần Sĩ Tín, ở Pleikly, cha Nguyễn Hưng Lợi tại Fyan, cha Phạm Kim Diệp tại Cần Giờ….
Cưu mang một đường hướng đổi mới canh tân không phải mọi sự đều xuôi chảy. Đã có những sự rạn nứt trong nội bộ của Dòng. Đó là sự bình thường dễ hiểu, nhất là sau khi mọi cơ sở đào tạo truyền thống đã bị tước đoạt sau biến cố 1975. Cuộc sống đã có những đổi thay. Hoàn cảnh đã tạo nên một thế hệ mới và chỉ mong, như Thánh Công đồng Vatican 2 đã căn dặn là tất cả phải “liên tục trở về nguồn mạch đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của Hội Dòng”
Lúc đó, các cha Canada mà người cuối cùng rời Đalat để vào Fyan là cha Thomas Côté, đã chọn việc truyền giáo cho người dân tộc Koho, nơi chưa có Linh Mục Việt-nam nào tham dự. Về sau có cha Antôn Tài, nhưng ngài đã sớm  rời bỏ nơi này để đi tìm một môi trường hoạt động khác tại Pleiku như chúng ta đã nói đến, với sự hợp tác của nhiều anh em còn là học viện và chưa là Linh Mục. Cha Gérard Gagnon đã thôi việc ở Biệt thự Thánh Tâm. Ngài về tu viện Đalat, nhưng có một cuộc sống cách biệt. Cha Louis Roy vẫn hằng ngày trên chiếc motô đi đến giúp đỡ hầu hết các tu viện, dòng tu tại Đalat. Cha Anrê Nguyễn Quang Kiêm dành hết thời giờ cho giáo xứ Tùng Lâm. Cha Louis Đặng Đức Anh và nhiều thầy trợ sĩ suốt ngày bận rộn tại trại gà Scala, vuờn rau…. Ngôi tu viện có lúc trở nên vắng lặng lạ thường, điềm báo cho một sự thay đổi lớn sắp diễn ra tại ngôi tu viện đã từng rất linh động với cả trăm tu sĩ mà nhóm nổi bật nhất là các Thầy Học viện cùng với nhiều giáo sư lỗi lạc và trẻ trung.
HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ DỜI VỀ THỦ ĐỨC
Cha Bề trên Giám tỉnh Henri Bạch Văn  Lộc dời Học viện về Thủ Đức. Cha muốn Học viện được ở gần trung tâm văn hóa hơn, có nhiều điều kiện để tiếp xúc và có giáo sư dễ dàng hơn. Cha Henri Lộc cũng đã mang trách nhiệm tổ chức và điều hành Đại học Minh Đức, và đó có thể là một thúc đẩy để ngài đưa các thầy học viện về Saigon để theo học ở Đại học này. Bắt đầu là các lớp triết. Nhưng về sau thì giải pháp này đã không được duy trì với lý do là Triết học ở Đại học không phải là triết học phù hợp với chương trình trong chủng viện.
Học viện chưa có cơ sở riêng, nhưng xử dụng một phần những gì đã có cho Đệ tử viện. Do đó điều kiện còn rất thiếu kém. Một ngôi nhà mới được khởi công xây dựng. Nhiều công việc được chính các Thầy và các Đệ tử sinh thực hiện, từ nhà cửa cho đến vườn tược, trại chăn nuôi, trồng cây ăn trái, đào hồ nuôi cá.
Công việc lao động tay chân vừa thể hiện tinh thần gia thất, vừa tăng cường sức khỏe và góp đôi chút vào những chi phí trong cuộc sống.
 Nhìn với cặp mắt của lòng tin phó thác vào Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho các Linh Mục tu sĩ tương lai đôi tí hiểu biết “thạo quen nghề” để sử dụng hữu hiệu vào những lúc khó khăn sẽ đến trong một thời gian ngắn.
Cùng với việc học và tu đức, vào các cuộc nghỉ hè, các thầy thường đi thực tế tại các nơi, cách riêng ở những giáo xứ và khu truyền giáo do các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách.
Chúng tôi còn nhớ vào thời gian này, cứ mỗi sáng, một chiếc xe car 50 chỗ đến tại nhà Kỳ Đồng, đưa các Thầy về học tại Đại học Minh Đức hay trường Đắc Lộ. Sau buổi học thì xe car lại đưa các Thầy về Thủ Đức. Rõ ràng đã có những sự không mấy thuận tiện và dĩ nhiên những thời gian di chuyển cũng không phải là ít.
Sau nhiệm kỳ Giám học của cha Nguyễn Hữu Phú là cha Giuse Trần Ngọc Thao. Từ ngày 8-8-1972, cha lãnh nhiệm vụ này và trong nhiều năm cha sẽ mang trách nhiệm Học viện qua những cuộc phiêu lưu được đánh giá là chưa từng có trong Dòng Chúa Cứu Thế, với những đổi thay vào tháng 4-1975.
HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT-NAM SAU 1975
Đứng trước bao đổi thay bất ngờ của cuộc sống, qua lịch sử của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam, chúng ta đã nhiều lần được nhìn thấy Tình thương của Quan Phòng Thiên-Chúa từng bước, từng giai đoạn, chuẩn bị cho những hoàn cảnh đổi thay trong tương lai đòi hỏi phải vừa thích ứng hợp thời vừa phải luôn trung tín với linh hứng của Dòng.
Những chuyển hướng trong đào tạo tại Học viện sau Công Đồng Vatican 2 như đã đi trước và dọn đường cho một cách đào tạo giới tu trẻ cho một cuộc đời lắm “phiêu lưu”, đòi hỏi rất cao một sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm cá nhân, khi mà những đổi thay vựơt hẳn mọi nề nếp có sẵn, kể cả những “truyền thống” từ trứơc vẫn được coi như là “bất khả xâm phạm.”
Những gì xẩy đến sau ngày 30-4-1975 cho chúng ta chứng kiến cách sống và hoạt động của Dòng Chúa Cứu Thế trên Đất Việt, mặc dầu đã không có một sự chuẩn bị nào cho cuộc “đổi đời” đó. Dưới chế độ mới, cuộc sống tu sĩ, nhất là tại Học viện có những “thay đổi, những xáo trộn”, trong đó tràn ngập một thực tại được gọi là bấp bênh và bất thuận lợi cho đời sống tu trì và học hành, những bấp bênh và thay đổi có ảnh hưởng đến tâm linh, đến việc học, đến ổn định và ngay cả trong ăn uống, ngủ nghỉ và lao động. Lao động không chỉ là trí thức mà cả đến tay chân. Làm việc bằng sức lực thể xác và giá mồ hôi nước mắt không chỉ để tự rèn luyện, mà còn là phải cật lực để có của ăn và tài chính để sống còn.
Sau năm 1975, như đã được luyện “tay nghề”, các Thầy học viện dễ dàng “hội nhập” vào những điều kiện sinh sống mới. Các giờ lao động được tăng cường, với những trách nhiệm trong nhà, ngoài vườn, nơi các trại chăn nuôi. Công việc tu đức và học hành vẫn được tiếp tục.
CÁC LINH MỤC GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM TỪ 1972
Cha G.Phan Đức Hiệp

Cha G.Trần Ngọc Thao








Cha A.Phạm Gia Thuỵ








Thế nhưng mọi chuyện đã diễn biến bất ngờ vào những tháng đầu của năm 1978. Lệnh quản chế được ban hành và đến ngày 25-1-1978 thì tất cả cơ sở của Dòng tại Thủ Đức buộc phải đóng cửa. Các Linh Mục phân tán đi phục vụ tại các giáo xứ, một số khác về Mai Thôn cùng với các Thầy. Riêng các Thầy Học viện thì không còn được sống chung, không được về các tu viện còn hoạt động. Nhiều người phải về gia đình hay tìm chỗ tá túc đó đây nơi quen biết. Để sinh sống, các Thầy làm đủ mọi nghề: chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, làm ruộng, làm công nhân, thợ hồ, giáo viên, đạp xích lô, hớt tóc…. Có người nhập nông trường. Đúng lúc các Thầy phải sống trưởng thành, tự lo tự liệu, trách nhiệm về đời sống vật chất cũng như về đời sống tu của mình. Không còn có con mắt của Bề trên và mất đi rất nhiều sự nâng đỡ của Cộng đoàn. Nhất là phải ngưng mọi việc học  hành theo chương   trình cổ điển. Phải sống trong “phiêu lưu”, không biết ngày mai sẽ ra sao và hoàn toàn phó thác cho Chúa Quan Phòng về tương lai ơn gọi và đời Tông đồ của mình. Đây là một thời gian thử thách lớn cho con tim, cho sự chịu đựng chấp nhận gian khổ theo Chúa trong khó nghèo, noi gương Đấng Cứu Thế trong suốt những năm dài ở Nagarét, trà trộn giữa những người nghèo, đổ mồ hôi lấy bát cơm. Rèn luyện ý chí chọn Chúa Kitô và sứ vụ Cứu Thế của Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thế rồi, ngọn lửa tận hiến âm ỉ cũng dần tìm lối thoát, len qua mọi cản trở để bừng lên và đã bùng cháy với những tiến triển chưa từng có trong lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam.
Từ 1980 các Bề trên và nhà Dòng, trước lòng trung thành và quyết tâm tận hiến ngay giữa những hoàn cảnh bất lợi nhất của các Thầy Học viện bám trụ đã có những nỗ lực và sáng kiến để hoạch định một chương trình “Học viện mới”, tận dụng mọi dịp, mọi cơ hội để tiếp tục và tiến lên trên con đường tận hiến mặc dầu tương lai vẫn mờ mịt. Một khẩu hiệu được nằm lòng: “Tiến Đức chứ không cần tiến chức.” Thời buổi đó, mọi nghi lễ phong chức Linh Mục đều bị hạn chế. Các ứng viên Linh Mục, bất cứ thuộc các Địa phận hay Dòng tu đều phải được sự chấp thuận của nhà nước. Ban Tôn giáo cho ý kiến để chính quyền địa phương quyết định. Tiến lên chức vụ Linh Mục thật là bấp bênh. Các danh sách được đệ trình, và số người được “chấp thuận” làm Linh Mục chỉ là một số rất nhỏ sau những buổi “làm việc” với nhiều điều không liên hệ gì đến nhiệm vụ thiêng liêng của người mục tử. Các thầy được có dịp gặp gỡ lẫn nhau ở từng địa phương và thỉnh thoảng cũng có những cuộc họp mặt đông đủ hơn tại nhà Dòng Kỳ Đồng. Đây là những dịp quí báu hơn vàng để các Thầy nung nấu chí hướng và khích lệ lẫn nhau trong lý tưởng thường tình có vẻ xa vời. Cuộc sống “tản mát” đó kéo dài cho đến năm 1989, thời gian cha Bề trên Giám Tỉnh Trần Ngọc Thao quyết định “tổ chức lại Học viện với số 26/52 anh em phấn đấu vượt khó kiên trì đi theo Chúa”, như lời cha Giuse Phan Đức Hiệp, phó Giám đốc Học viện.
“ Khách sạn 5 sao” sau khi được “ nâng cấp “
Ngày 1-1-1990, có thể được coi là một ngày lịch sử khi 13 Thầy học viện được tựu tập lại với trụ sở là những khoảng trống dưới mái nhà của tu viện, một nơi không có điều kiện để sinh hoạt, để học, để nghỉ ngơi, một nơi được mệnh danh là “khách sạn 5 sao”, với đặc điểm: “Sao nóng thế, Sao muỗi thế, Sao tối thế….” Không chỉ 5 sao mà còn hơn thế nữa!
Quyết định này, chấm dứt phần nào những gian khổ của một số anh em ở xa, có khi tận Long Khánh phải đạp xe đến Saigon, để kịp sinh hoạt về sáng sớm và cũng về đêm để kịp làm việc tại công trường nào đó. Thế nhưng niềm phấn khởi của các sinh viên rõ ràng là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Quyết định  này cũng              đã nói lên niềm tin, sự tín thác và lòng can đảm của các bậc lãnh đạo, bởi vì ở phía trước còn có biết bao khó khăn đủ mặt, mà ngay trứơc mắt là các sinh viên không được qua đêm tại tu viện mà phải tìm chỗ tạm trú nơi nhà quen hay họ hàng và ngay nơi những nhà giáo dân có tâm hồn tông đồ và yêu mến Dòng Chúa Cứu Thế.
Lý luận rằng: đời tu có đỉnh cao là chức vụ Linh Mục, nên người tu sĩ đã “được phép đi tu” thì tất nhiên có quyền được đạt đến mục đích đó. Nếu vì lý do nào đó mà các Linh Mục bị ngăn cản làm mục vụ thì “cuộc sống tu sĩ Linh Mục” vẫn không vì thế mà bị khựng lại. Từ đó, một số anh em học viện đã xong chương trình có thể tự nguyện xin được lãnh nhận nhiệm vụ Linh Mục để sống trọn vẹn đời tu trong thờ phượng Thiên-Chúa và làm trung gian cầu bầu cho nhân loại. Một số các Thầy Học viện đã được các Giám Mục phong chức Linh Mục cho mà không có sự chấp thuận của quyền đời.
Học viện DCCT Việt Nam tại Kỳ Đồng – Sài Gòn
Vào cuối thập niên 1990, tình hình có dễ dàng hơn và một số các Thầy được “tạm trú” tại nhà Kỳ Đồng. Số sinh viên Học viện vào năm 1999 đã lên đến 59, một con số chưa từng đạt được kể từ khi thành lập Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam. Các thầy Triết mỗi ngày đến học tại Đaminh Học viện, các thầy Thần theo các khóa Bồi dưỡng Thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình, một hình thức chủng viện Liên Dòng.
Để đáp ứng cho số sinh viên học viện, cha Bề trên Giám Tỉnh Giuse Cao Đình Trị đã xây dựng một ngôi nhà dùng làm Học viện trong miếng đất còn sót lại phía sau nhà bếp và nhà cơm. Ngôi nhà đã được hoàn thành vào tháng 8-1995, nơi được xử dụng vừa làm nhà hưu, vừa làm học viện. Nơi đây đã tạo nên những Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế thế hệ mới rất đông đảo và nhiệt thành. Từ đây họ đi đến mọi miền đất nước, làm cho Dòng Chúa Cứu Thế và sứ mệnh cứu chuộc được đến khắp nơi, mặc dầu giữa những hoàn cảnh còn tràn ngập khó khăn về nhiều mặt.
Cha Giuse Trần Ngọc Thao, với 12 năm làm Giám Tỉnh đã chèo chống con thuyền Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam lướt qua nhiều cơn sóng to gió lớn, cách riêng đã tổ chức lại học viện.
Khi hết nhiệm vụ Giám Tỉnh, cha Thao giữ nhiệm vụ Giám Học và với sự trợ lực của cha Giuse Phan Đức Hiệp đã ổn định cuộc sống, việc học và tu đức của các Thầy Học viện.
Cha Giám tỉnh Giuse Cao Đình Trị, qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp và nhiệm kỳ mới từ 2005  sau cha Toma Phạm Huy Lãm, đã rất mực quan tâm đến giới kế thừa. Cha Anphong Phạm Gia Thụy nối tiếp nhiệm vụ Giám học của cha Giuse Hiệp. Ban quản trị Tỉnh và những vị đặc trách việc đào tạo giáo dục đã có những bước đi đáp ứng nhu cầu khi tạo nên cơ sở, tuy vẫn tạm bợ, để các sinh viên Học viện ăn ở ngay tại tu viện Kỳ Đồng, với những điều kiện khả quan hơn, dầu vẫn có nhiều hạn chế, từ phòng ốc cho đến mấy mảnh sân nhỏ hẹp để chơi túc cầu, bóng chuyền mà không bao giờ dám “thẳng chân, căng tay” để trái banh khỏi đi ra ngoài phạm vi của tu viện lọt qua hồ tắm Kỳ Đồng.
Số các Thầy Học viện đã tốt nghiệp và hăng say xung vào các chỗ trống do những người đàn anh đã ra đi để lại cũng như nơi cánh đồng truyền giáo mới mở cùng khắp, theo cha Phạm Đức Hiệp thì Học viện từ 1989 đến cuối năm 2004 đã là 57 Linh Mục trẻ.
Nhìn lại lịch sử Học viện Dòng Chúa Cứu Thế từ 1935 đến nay, 72 năm dài, chưa bao giờ nơi đào tạo này đã có số sinh viên đông như hiện nay, và đã đem đến cho Giáo Hội một số Linh Mục chỉ trong hơn 30 năm về sau này đông hơn cả suốt 40 năm khi các điều kiện vật chất, cơ sở, phương tiện bị hạn chế nhiều mặt.
Hướng về những mục tiêu truyền giáo trong nước và ngay tại các nước ngoài, Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt-nam đang góp phần lớn vào việc chuẩn bị những con người nhiệt thành, gắn bó với  Ơn Cứu Chuộc tràn đầy nơi Chúa Cứu Thế, cho thế kỷ 21 này và cho thiên niên kỷ thứ 3 Ơn Cứu Chuộc.
Năm 2007, Học viện DCCT Việt Nam có 66 sinh viên Học Viện

Không có nhận xét nào: