CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

HỌC CẤP TỐC GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ GIÁO LÝ DỰ TÒNG



CTM (21/4/2013) – Một thiếu nữ tuổi khoảng 20 – 25 đến Văn Phòng Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ ĐMHCG xin học Giáo lý hôn nhân và Giáo lý dự tòng. Văn phòng giới thiệu hai lớp: Dự tòng học 4 tháng rưỡi, tuần ba buổi, chẳn hoặc lẽ (hiện nay 2017  là 6 tháng) . Hôn nhân học 1 tháng rưỡi. Tuần học hai buổi (hiện nay 2017 là 2 tháng). Giờ học hai lớp vào buổi tối khoảng từ 19 giờ đến 20 giờ 30. Trên đây là hai lớp thường xuyên, loại cuốn chiếu, vào học lúc nào cũng được. Ngoài ra, có một lớp Giáo lý hôn nhân học 2 tháng rưỡi, tuần 3 buổi.

Đọc xong hướng dẫn, thiếu nữ hỏi: Có lớp nào ngắn và nhanh hơn không?

Trả lời: Ngắn, nhanh là bao lâu?

Hỏi: Cả hai lớp gom lại học 1 tuần. Có thể ngày nào cũng học.

Người viết bài này thiết nghĩ, hôn nhân gia đình là chuyện sống với nhau một đời, hôn nhân Công giáo lại không chấp nhận ly dị nếu bí tích hôn nhân thành sự. Thế mà người ta dám coi thường đánh đổi hạnh phúc một đời trong vòng một tuần lễ học, một lối học cấp tốc, học đối phó, học để có giấy chứng nhận bổ túc hồ sơ hôn phối về mặt đạo.

Thực sự ai cũng biết, học một nghề theo trường lớp cũng phải hai, ba hoặc bốn năm với chương trình đào tạo Cao đẳng hay Đại học hoặc hơn nữa. Thế mà người ta, nhất là các bạn trẻ lại muốn học hôn nhân và dự tòng cấp tốc như vậy. Thực tế học hôn nhân cấp tốc thì hiệu quả ra sao? Hiệu quả là cấp tốc đến thì cũng cấp tốc đi, cấp tốc yêu nhau rồi cũng cấp tốc bỏ nhau. Nếu các nhà chuyên môn cho chúng ta thống kê ly dị từng năm thì mới khiếp đảm kiểu hôn nhân thời đại hôm nay, thay vợ đổi chồng như thay y phục, kể cả người Công giáo không hạn tuổi tác lớn bé.
Viết đến đây, người viết bài này nhớ lại một buổi chiều thứ bảy gần đây, ngồi bên cạnh một người bạn trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sài-gòn, bạn ấy vào giờ học truyền thông, trong khi chờ đợi Cha giáo chuẩn bị thiết bị dạy học, bạn mở một phim youtube. Người viết bài này thấy gì? Thấy một người mẹ trẻ đánh con một cách thật gian ác, tàn nhẫn như đánh kẻ thù, thật không thể nào hiểu được, thằng bé oằn oại thân xác bé nhỏ trên giường, nhưng làm thế nào được, những ngọn roi quất vun vút lên người cháu, còn bị người mẹ này ôm cháu quẳng, vật như quẳng vật một món đồ không cần thiết khi quá giận, và dĩ nhiên món đồ sẽ vỡ tan tành, nhưng đây không phải là món đồ, đây là một con người, một em  bé vô tội, đáng thương. Không học Giáo lý hôn nhân thì làm sao có tình thương đúng mực để yêu thương và biết giáo dục con nên người có ích cho xã hội và Giáo hội!?

Người hiểu biết, học Giáo lý hôn nhân nghiêm chỉnh mà còn phải gặp bao khó khăn trong đời sống vợ chồng, trong việc giáo dục con cái.

Viết đến đây, người viết bài này lại nhớ đến câu chuyện của người bạn. Anh là ca trưởng có tài, có tâm huyết, có tinh thần phục vụ Giáo hội ngay ở Việt Nam lẫn khi qua USA. Anh hướng dẫn một ca đoàn (Anh có học vị tiến sĩ ở Mỹ, thường đi công tác đây đó qua các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ,  như vậy, anh thành toàn, kết quả về mặt thăng tiến xã hội). Anh tìm hiểu một ca viên nữ trong ca đoàn, dĩ nhiên không phải cấp tốc và dĩ nhiên có học qua Giáo lý hôn nhân. Thế thì sao, cử hành bí tích xong khoảng một tháng, vợ anh đâm đơn ly dị về mặt đời. Anh bị chia đôi tài sản. Anh bị một cú sốc rất nặng. Anh là người hiểu biết, lại kính sợ Chúa, anh đệ đơn ở một Tòa án hôn phối Công giáo. Kết quả được Tòa phán quyết bí tích hôn nhân của anh chị không thành sự vì dựa trên nền tảng người vợ nhắm vào tài sản của anh chứ không thật lòng yêu thương anh. Hiện giờ anh vẫn còn ở một mình vì quá sợ kết hôn.

Thế đó, học hôn nhân cấp tốc, học dự tòng cấp tốc thật nguy hiểm biết bao?! Làm sao đủ kiến thức để quản trị, chăm sóc gia đình? Làm sao đủ ơn Chúa để vượt qua một cuộc sống chung mà hai người có quá nhiều khác biệt về giáo dục, truyền thống gia đình, về địa phương nơi anh chị sinh trưởng và nhiều thứ khác biệt khác như tâm tính, sở thích, đặc biệt là tính xấu mà khúc dạo đầu của tình yêu, người ta không thể nào biết. Rồi khi tình yêu dần đổi mầu, từ mầu hồng sang mầu tối hơn, xám, đen thì sao, không có ơn Chúa thì sao?!

Sự phá sản, sự bào mòn của hôn nhân truyền thống trong xã hội Việt Nam hiện nay là câu trả lời rõ nét nếu ai có quan tâm!

Lạy Chúa Giê-su, chính Ngài thành lập bí tích hôn nhân để kết hiệp người nam và người nữ nên một, cho dù là hôn nhân tự nhiên hay hôn nhân bí tích, Chúa đều ban ơn để đôi vợ chồng có thể chu toàn bổn phận của mình. Nguyện xin Chúa nhìn đến các bạn trẻ chọn ơn gọi sống đời đôi bạn, giúp họ ý thức việc học Giáo lý hôn nhân, Giáo lý dự tòng không phải là để trả nợ cho xong mà là hiểu biết để sống, để yêu thương, để trách nhiệm góp phần làm cho xã hội và Giáo hội phát triển một cách lành mạnh mỗi ngày một hơn. Con nguyện xin Ngài, lạy Chúa. Amen.

                                         Gioakim Phạm Văn Lượng (CTM )

*Mời đọc:


NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI CÔNG GIÁO TẠI TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN



            

Không có nhận xét nào: