CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá.

hứ Sáu Tuần V MC


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu Tuần V MC

Bài đọc: Jer 20:10-13; Jn 10:31-42.

1/ Bài đọc I: 10 Con nghe biết bao người vu cáo:
"Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng,” hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!"
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!"

11 Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

12 Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.

13 Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA, hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.


2/ Phúc Âm31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.
32 Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?"
33 Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."
34 Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh?""
35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,
36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"
37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.
38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."
39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.
41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng."
42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.




GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá.

Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ, đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.

1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!"

1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.

2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim) đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"”

2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Họ nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
- Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám nói và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người công chính.

Không có nhận xét nào: