CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM


s Mẩu Bút Chì
(Trích tập san Giáo huấn xã hội Công Giáo số 6)

Tôi viết về một linh mục, không phải để ca tụng hay tán dương ngài, nhưng để chia sẻ một tấm lòng.

Ngài giỏi thật đấy: Học vị cao, chức vị lớn. Nhưng thiếu nhi trong xứ thích lân la, cà rà vào tận bếp ăn của ngài chỉ vì ngài là một “ông cha” vui tính, bình dân. Ngài đi giảng dạy, tập huấn, tĩnh tâm… khắp đó đây, nhưng giáo dân thích chào hỏi, thăm nom ngài chỉ vì ngài rất đơn sơ, giản dị, dễ hòa đồng. Từ lúc ngài về nhận xứ, hình như các bà và các ông đều thấy vui vẻ, thoải mái khi lui tới giúp việc xứ. Họ thấy nhà xứ như nhà mình, việc xứ như việc mình.

Chúng tôi không phải là con chiên bổn đạo của ngài, nhưng lại may mắn được tham dự những lớp học thuần túy đạo đức, luân lý do chính ngài trực tiếp giảng dạy. Ngài dạy cho chúng tôi nhiều lĩnh vực: Kinh Thánh, Thần học luân lý, và cách riêng Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG). Những gì chúng tôi học được ở ngài thì không đến từ sách vở từ chương mà đến từ kinh nghiệm sống cụ thể điều ngài đang giảng dạy.


Sau khi học qua nguyên tắc nhân vị, công ích, liên đới, chúng tôi học đến nguyên tắc cuối cùng trong bốn nguyên tắc cơ bản của GHXHCG: nguyên tắc bổ trợ. Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) – tức là hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn… Thật sai lầm khi rút khỏi tay cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng” (x. GHXHCG số 186).

Mặt khác, Chúa tạo dựng mỗi người là một chủ thể sáng tạo với những khả năng và tiềm lực khác nhau. Sự bổ trợ tương thích giữa các cá nhân sẽ tạo nên nguồn lực mạnh mẽ cho cộng đồng. Để áp dụng hiệu quả các nguyên tắc của GHXHCG, phải tôn trọng đồng bộ bốn nguyên tắc cơ bản này mà không thể khinh suất bất cứ một nguyên tắc nào. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải có cái tâm thiện, cái trí sáng, và một sự cảm nhận tinh tế, nhạy bén, để sử dụng đúng người, đúng khả năng sáng tạo, đặt họ vào đúng vị trí thích hợp. Cần mời gọi và cổ vũ sự tham gia của mọi người vào việc chung – tham gia là một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ. Bởi “sự tham gia là một trong những trụ cột nâng đỡ mọi trật tự dân chủ” (x. GHXHCG số 190). Thế nhưng, giữa một cộng đoàn, nếu không tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, dẫn đến đố kỵ, phản cảm với nhau thì không thể liên đới, tham gia hay bổ trợ cho nhau được. Ngược lại, sự hỗ trợ hay can thiệp quá sâu sẽ bóp chết thần khí và khả năng sáng tạo của người khác.

Ngài dạy hay lắm! Nhưng chúng tôi chưa thỏa. Chúng tôi muốn được nhìn thấy những nguyên tắc ấy sống động “tung tăng” như cá bơi trong bể cơ! Ngài cười: “Đến mà xem!”
Cái mà ngài muốn cho chúng tôi xem là bếp ăn từ thiện giúp sinh viên nghèo tại giáo xứ của ngài.

Chúng tôi làm một cuộc “mục kích bất ngờ” đến bếp ăn này vào một buổi trưa nắng chang chang. Trái với cái oi bức ngột ngạt bên ngoài, khu vực bếp ăn mát rượi bóng râm. Một nhóm có đến gần mười phụ nữ, vừa “các bà”, “các cô”, “các chị”, miệng râm ran nói cười mà tay thì thoăn thoắt, người bới, người đơm. Món kho, món nấu, món xào, món nào cũng bắt mắt, cũng thơm phưng phức làm cồn cào bao tử. Dẫu có tưởng tượng hình dung, nhưng những gì diễn ra trước mắt quả thật làm chúng tôi ngỡ ngàng: Rất thân tình, rất nhịp nhàng và hồ hởi. Chắc chắn bên trong phải có một sự tổ chức khoa học, một động lực tinh thần mạnh mẽ, tự nguyện, thỏa mãn. Không ngăn được sự tò mò, tôi liền “thu thập tư liệu” để làm ngay một bài “thẩm định” các nguyên tắc:

- Hướng đến phục vụ con người, đối tượng là các sinh viên nghèo xa quê, thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của gia đình. Mục đích không dừng lại ở việc giúp các em có được một bữa ăn ngon, đủ dưỡng chất, nhưng còn là để khơi gợi lên nơi các em một nếp sống yêu thương, biết quan tâm đến người khác, biết hướng về nhau, hướng về những vấn đề của cộng động và xã hội: Đáp ứng nguyên tắc nhân vị, và rõ ràng là phục vụ công ích.

- Để “vận hành” được bếp ăn, cần có sự liên đới góp công, góp sức của nhiều giáo dân và nhiều mạnh thường quân xa gần.

- Cha chánh xứ chỉ đưa ra ý tưởng rồi “giao quyền” cho hai cha phó thực hiện, một cha lo việc điều phối nguồn thu – chi, một cha sắp xếp các công việc cụ thể. Khi cần, cha chánh sẽ bổ trợ kịp thời về tài chánh hay một nhu cầu nào đó. Các phụ nữ tình nguyện tham gia nấu ăn được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm phục vụ chỉ một ngày trong tuần (khoảng 100 phần ăn). Các nhóm này được tùy ý chọn món và sáng tạo khẩu phần ăn sao cho vừa ngon, vừa bổ dưỡng mà vẫn vừa túi tiền. Thảo nào các bà, các cô không ra sức trổ tài và chăm chút sản phẩm của mình. Quả là tham giabổ trợ đã được thực hiện quá chặt chẽ và hợp lý. Các bà các cô mời gọi nhau đến ngày càng đông, ai cũng phấn chấn, thích thú.

Học thế này thì dễ hiểu và dễ thuộc bài thật! Tôi lại chợt nhớ đến lời một linh mục đồng hành rất thương mến của nhóm chúng tôi rằng: “Nếu biết áp dụng GHXHCG vào thực tế cuộc sống, nó không còn là một giáo thuyết “khô – khó – kén” nữa, mà sẽ sinh động vẫy vùng như cá lớn trở về với đại dương

Ngài như thế đó! Có thể là già nhưng không hề thủ cựu. Cái chất “giáo sĩ trị” không thấy “dính bén” trong phong cách của ngài. Giáo dân đến với ngài không khúm núm, căng thẳng, bẩm thưa, nhưng thân tình, gần gũi lạ. Một vị mục tử khiêm nhu như ngài, chắc hẳn đẹp lòng Chúa lắm!

Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=11037

Tác giả:  Mẩu Bút Chì

2 nhận xét:

Unknown nói...

Cảm ơn Bạn đã ghé thăm và quan tâm cái tên của mình, xin trả lời bạn ngay đây: Mình tên Nga và họ Trần nên tự nghĩ ra cái tên như vậy thôi..khi rảnh mời bạn qua thăm Bogr Trăng vàng của mình nhé. MÌNH KHÔNG HIỂU VỀ ĐẠO GIÁO NHƯNG RẤT THÍCH NHỮNG BÀI ĐĂNG CỦA BẠN, CHÚC MỘT CHIỀU VUI..

Chân Thiện Mỹ nói...

Cảm ơn bạn không tiếc lời chia sẻ. Mến chúc buổi tối an lành.
Mong gặp lại. Sẽ ghé thăm bạn Hằng Nga nhé!
Với CTM: Hằng Nga = Moon Trần = Trần Nga.
Mong hiểu cho CTM nhé!