CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Con thuyền Giáo Hội là của Chúa


Con thuyền Giáo Hội là của Chúa
Người luôn điều khiển và không để nó chìm

Con thuyền Giáo Hội là của Chúa. Người luôn điều khiển và không để nó chìm.
Vatican (Vat. 27-02-2013) - Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội nhất là trong những lúc khó khăn. Người luôn ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với 170,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 27 tháng 2 năm 2013. Thật thế, buổi tiếp kiến sáng 27 tháng 2 năm 2013 đã là buổi gặp gỡ cuối cùng với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI trong triều đại của ngài, vì vào lúc 20 giờ tối thứ năm 28 tháng 2 năm 2013 giờ Roma, Ðức Thánh Cha kết thúc nhiệm vụ giáo hoàng. Tông Tòa sẽ trống ngôi, và trong vài ngày nữa, có thể là thứ hai mùng 4 tháng 3 năm 2013 Ðức Hồng Y Nhiếp Chính sẽ chủ sự buổi họp của Hồng Y Ðoàn để quyết định ngày khai mạc Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng mới.
Ðáng lý ra trong mùa này buổi tiếp kiến sáng thứ tư diễn ra trong đại thính đường Phaolô VI, nhưng để nhiều tín hữu có thể tham dự buổi gặp gỡ vị Cha chung lần cuối cùng, buổi tiếp kiến đã được tổ chức tại quảng trường thánh Phêrô. Trời Roma trong xanh có nắng ấm rất đẹp, như thể mùa xuân đã bắt đầu. Ngay từ 5 giờ sáng, hàng trăm xe buýt chở các đoàn hành hương từ các giáo phận Italia hay từ các nước khác đã đổ tìn hữu xuống quanh quảng trường thánh Phêrô, để mọi người xếp hàng đi qua các trạm kiểm soát diện tử vào quảng trường. Phủ giáo hoàng đã phân phát 50,000 vé, nhưng số tín hữu tham dự đã lên tới 170,000, đặc biệt có rất đông sinh viên học sinh và các bạn trẻ. Các Ðại học giáo hoàng Roma đều cho sinh viên nghỉ để có thể tham dự buổi tiếp kiến của Ðức Thánh Cha, và cùng với tín hữu khắp nơi bầy tỏ lòng yêu mến, tình liên đới, sự gắn bó gần gũi và biết ơn ngài, vì những gì Ðức Thánh Cha đã cống hiến cho Giáo Hội và cho toàn thế giới trong các năm qua.
Nhiều đoàn tín hữu mặc áo mầu đồng phục hay có mũ, khăn và cờ để dễ nhận ra nhau. Các đoàn tín hữu đã mang theo rất nhiều cờ, cờ Tòa Thánh cũng như cờ quốc gia, và nhiều biểu ngữ viết tên thành phố của họ và các câu như: "Cám ơn Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI", "Ngài luôn luôn là Phêrô và giới trẻ chúng con yêu mến ngài", "Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con yêu mến ngài", "Chúng con gần gũi ngài", "Luôn luôn với Ðức Giáo Hoàng", "Can ơn Ðức Thánh Cha nhiều lắm" vv...
Sau khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã có buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên ngày 27 tháng 4 năm 2005. Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng ngài đã có 348 buổi tiếp kiến chung với 5,116,600 tín hữu tham dự. Số tín hữu tham dự đông nhất là vào năm 2006 với 45 buổi tiếp kiến và 1,031,500 người. Trong năm đầu đã có 32 buổi tiếp kiến với 810,000 người tham dự. Các năm khác đã có từ 42 tới tới 45 buổi tiếp kiến với con số tham dự xê xích từ 447,000 tới 729,000 người.
Riêng cho buổi tiếp kiến lịch sử sáng thứ tư 27 tháng 2 năm 2013, ban kỹ thuật Tòa Thánh đã dựng thêm 4 màn truyền hình khổng lồ khác để cho các tín hữu đứng ở đường Hòa Giải cũng có thể theo dõi. Hiên diện trong buổi tiếp kiến cuồi cùng sáng 27 tháng 2 năm 2013 ngoài khoảng 70 Hồng Y, hàng chục Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Ðức Ông thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, hàng ngàn Linh Mục tu sĩ nam nữ các dòng tu và các trường quốc tế, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, còn có Ðại quận công thừa kế Guillaume nước Luxembourg, tổng thống Slovac Ivan Gasparovic và phái đoàn, ông Horst Seehofer, thống đốc bang Bavière Nam Ðức và phái đoàn, ông Renato Balduzzi Bộ trưởng Y tế Italia, ông Jorge Fernandez Diaz, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, chị Maria Voce, lãnh đạo phong trào Tổ Ấm, Anh Kiko Argello, lãnh đạo phong trào Con đường tna dự tòng, thầy Alois Ðan viên trưởng Ðan viện đại kết Taizé vv...
Ðã có hàng chục đoàn hành hương giáo phận Italia do chính các Tổng Giám Mục và Giám Mục hướng dẫn. Trong các phái đoàn hiện diện củng có một nhóm tín hữu Việt Nam từ Ðức.
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ tư 27 tháng 2 năm 2013 đã không có nghi thức hôn tay Ðức Giáo Hoàng như thường lệ. Nhưng sau đó tại phòng Clemente một số nhân vật quan trọng có thể đến chào Ðức Thánh Cha và hôn tay ngài.
Trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi Ðức Thánh Cha, các sinh viên học sinh và bạn trẻ đã liên tục gọi tên Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, hát xướng và vỗ tay, trong bầu khí của lễ hội, giống như trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Lúc 10 giờ các Ðức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khánh Tòa Thánh đã chào tín hữu và giới thiệu các nhóm tham dự. Khi nghe xướng tên nhóm mình, tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, đã hô to lên.
Lúc 10 giờ 40 xe díp trắng chở Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI xuất hiện từ phía trái Ðền Thờ Thánh Phêrô giữa tiếng vỗ tay của tín hữu, những tràng pháo tay xem ra e dè hơn và đượm một nỗi buồn nào đó. Xe chở Ðức Thánh Cha đi một vòng giữa các lối đi ở quảng trường để ngài chào tín hữu, trước khi lên khán đài chính giữa thềm đền thờ thánh Phêrô.
Sau khi Ðức Thánh Cha làm dấu thánh giá khai mạc buổi tiếp kiến, các Ðức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đọc bài Sách Thánh trích từ chương 1 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Mở đầu bài huấn đụ Ðức Thánh Cha cám ơn tín hữu đã đến đông đảo như vậy để tham dự buổi tiếp kiến cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài. Ðức Thánh Cha nói: "Như tông đồ Phaolô trong văn bản kinh thánh chúng ta vừa nghe, tôi cũng cảm thấy trong tim tôi nhất là phải cám ơn Thiên chúa, là Ðấng dẫn dắt và làm cho Giáo Hội lớn lên, là Ðấng gieo vãi Lời Người và như thế đưỡng nuôi đức tin Dân Người. Trong lúc này đây tâm hồn tôi nới rộng ra để ôm trong vòng tay toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới; và tôi cảm tạ Thiên Chúa vì các "tin tức", mà trong các năm này của sứ vụ Phêrô tôi đã có thể nhận được liên quan tới niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, và về tình bác ái luân lưu trong Thân Mình của Giáo Hội và khiến cho nó sống trong tình yêu và niềm hy vọng, rộng mở chúng ta và hướng chúng ta tới cuộc sống tràn đầy, tới quê hương trên Trời. Tôi cảm thấy mình mang tất cả mọi người trong lời cầu nguyện, trong một hiện tại là hiện tại của Thiên Chúa, nơi tôi tiếp nhận mọi cuộc gặp gỡ, mọi chuyến du hành và mọi cuộc viếng thăm mục vụ. Tất cả và mọi người tôi đều đón nhận trong lời cầu nguyện để tín thác cho Chúa: để chúng ta am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết tinh thần, và để chúng ta có thể có cung cách hành xử xứng đáng với Người, với tình yêu thương của Người, bằng cách mang lại hoa trái trong mọi việc lành (Cl 1,9-10).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Trong lúc này đây, trong tôi có một sự tin tưởng lớn lao, bởi vi tôi biết chúng ta tất cả đều biết rằng Lời chân lý của Tin Nừng là sức mạnh của Giáo Hội, là sự sống của Giáo Hội. Tin Mừng thanh tẩy và canh tân, đem lại hoa trái, bất cứ nơi đâu cộng đoàn tín hữu biết lắng nghe và tiếp nhận ơn thánh Chúa trong chân lý và sống trong tình bác ái. Ðó là sự tin tưởng của tôi, đó là niềm vui của tôi. Ngày 19 tháng Tư cách đây gần 8 năm, khi tôi đã chấp thuận lãnh nhận sứ vụ Phêrô, tôi đã có sự chắc chắn này và nó đã luôn đồng hành với tôi. Trong lúc này đây, cũng như tôi đã nói lên nhiều lần, các lời đã vang lên trong tim tôi: Lậy Chúa, Chúa xin con điều gì? Ðây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt lên vai con, nhưng nếu Chúa xin con, thì dựa trên lời Chúa con sẽ thả lưới, chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con. Và Chúa đã thực sự hướng dẫn tôi, gần gũi tôi, tôi đã có thể nhận thấy hằng ngày sự hiện diện của Người." Nhìn lại gần 8 năm triều đại giáo hoàng của người Ðức Thánh Cha nói: "Ðó đã là một đoạn đường của Giáo Hội, có những lúc vui, có ánh sáng, nhưng cũng có những lúc không dễ dàng. Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Ðồ trong con thuyền trên hồ Galilea: Chúa đã cho chúng ta biết bao nhiêu ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu, những ngày trong đó đã đánh được đầy cá; nhưng cũng có những lúc trong đó nước động và gió ngược, như trong suốt lịch sử của Giáo Hội và xem ra Chúa ngủ. Nhưng tôi đã luôn luôn biết rằng trong con thuyền ấy có Chúa và tôi đã luôn luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn qua cả các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Ðây đã và hiện là một sự chắc chắn, mà không gì có thể làm lu mờ. Và chính vì thế mà hôm nay tim tôi tràn đầy sự cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì Người đã không bao giờ để cho Giáo Hội, và cho cả tôi nữa, phải thiếu sự ủi an, ánh sáng và tình yêu của Người."
Ðề cập tới Năm Ðức Tin đang tiến hành Ðức Thánh Cha nói: "Chúng ta đang ở trong Năm Ðức Tin mà tôi đã muốn để củng cố đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, trong một bối cảnh xem ra ngày càng đặt để lòng tin vào hàng thứ yếu. Tôi muốn mời gọi từng người cảm thấy được yêu thương bởi Thiên Chúa, là Ðấng đã ban Con Người cho chúng ta và đã cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Người. Tôi muốn từng người cảm thấy niềm vui được là kitô hữu. Có một lời cầu đẹp cần đọc mỗi sáng nói rằng: "Lậy Thiên Chúa của con, con thờ lậy Chúa, và con yêu mến Chúa với tất cả trái tim con. Con cảm tạ Chúa đã tạo dựng nên con, đã cho con là tín hữu kitô...". Vâng, chúng ta hài lòng vì ơn đức tin; đó là thiện ích lớn lao nhất, mà không ai có thể lấy mất! Chúng ta cảm tạ Chúa về ơn đó mỗi ngày, với lời cầu nguyện và với một cuộc sống kitô trung thực. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhưng cũng chờ đợi chúng ta yêu thương Người!"
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cám ơn các cộng sự viên và mọi thành phần dân Chúa và nói: "Nhưng trong lúc này tôi không chỉ muốn cảm tạ Thiên Chúa mà thôi. Một Giáo Hoàng không một mình hướng dẫn con thuyền của Phêrô, cả khi trách nhiệm đầu tiên là của người; và tôi đã không bao giờ cảm thấy cộ đơn trong việc mang niềm vui và gánh nặng của sứ vụ Phêrô. Chúa đã đặt bên canh tôi biết bao nhiêu người đã giúp đỡ và gần gũi tôi, với sự quảng đại và tình yêu thương đối với Thiên Chúa và Giáo Hội. Trước hết là anh em, các Hồng Y thân mến: sự khôn ngoan, các lời khuyên và tình bạn của anh em đã rất qúy báu đối với tôi; các cộng sự viện của tôi, bắt đầu là Quốc Vụ Khanh và tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh, cũng như tất cả những người phục vụ Tòa Thánh trong các lãnh vực khác nhau,: có biết bao khuôm nặt không nổi bật, ở trong bóng tối, nhưng chính trong thinh lặng, trong sự tận tụy hằng ngày, với tinh thấn đức tin và lòng khiêm tốn, đã là một sự nâng đỡ chăc chắn và đáng tin cậy. Một tư tưởng đặc biệt tôi xin gửi tới Giáo Hội Roma, giáo phận của tôi. Tôi không thể quên các anh em trong Hội Ðồng Giám Mục và Linh Mục, các người sống đời thánh hiến và toàn thể Dân Chúa: trong các chuyến viếng thăm mục vụ, trong các cuộc gặp gỡ, các buổi tiếp kiến, các chuyyến công du, tôi đã luôn luôn trực giác được sự chú ý lớn lao và lòng trìu mến sâu xa. Tôi cũng đã yêu thương tất cả và từng người một, mà không phân biệt, với tình bác ái mục tử là con tim của mọi Chủ Chăn, nhất là của Giám Mục Roma, của Người Kế Vị Tông Ðồ Phêrô. Mỗi ngày tôi đã mang từng người trong anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi, với con tim của một người cha."
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: "Tôi muốn rằng lời chào và cảm ơn của tôi tới được với tất cả mọi người: trái tim của một Giáo Hoàng mở rộng ra cho toàn thế giới. Và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, khiến cho đại gia đình của các quốc gia hiện diện. Ở đây tôi cũng nghĩ tới tất cả những ai làm việc cho một sự truyền thông tốt đẹp và tôi xin cám ơn công việc phục vụ của họ. Tới đây tôi muốn thật sự hết lòng cám ơn tất cả mọi người trên thế giới trong các tuần qua đã gửi tới tôi các dấu chỉ cảm động của sự chú ý, tình bạn và lời cầu nguyện. Phải, Giáo Hoàng không bao giờ cô đơn, giờ này tôi còn cảm nghiệm được điều đó một lần nữa đánh động con tim một cách lớn lao như vậy. Giáo Hoàng thuộc về tất cả mọi người, và biết bao nhiêu người cảm thấy họ gần gũi ngài. Có đúng thật là tôi đã nhận được rất nhiều thư của các nhân vật quan trọng trên thế giới - từ các quốc trưởng các nước, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, từ các đại diện của thế giới văn hóa vv... Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều thư của những người đơn sơ viết cho tôi một cách dơn sơ từ trái tim của họ, và khiến cho tôi cảm thấy lòng thương mến của họ, nảy sinh từ việc cùng nhau ở với Chúa Giêsu Kitô, trong Giáo Hội. Các người này không viết cho tôi, ví dụ như viết cho một ông hoàng hay cho một người lớn mà họ không quen biết. Họ viết cho tôi như các anh chị em hay như con cái, với ý thức về một mối dây gia đình rất yêu mến. Ở đây người ta có thể sờ mó được bằng tay Giáo Hội là gì - không phải là một tổ chức, một hiệp hội, có các mục đích tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một thân thể sống động, một sự hiệp thông giữa các anh chị em với nhau trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hiệp nhất tất cả chúng ta. Sống kinh nghiệm Giáo Hội trong kiểu này, và hầu như có thể sờ mó được bằng tay sức mạnh chân lý và tình yêu của nó, là lý do vui sướng, trong một thời đại, trong đó biết bao nhiêu người đang nói về sự suy tàn của Giáo Hội."
Ðề cập tới quyết định từ nhiệm của ngài Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI giải thích như sau: "Trong các tháng cuối cùng này, tôi đã cảm thấy sức lực của tôi giảm sút, và trong lời cầu nguyện tôi đã nài nỉ Thiên Chúa, soi dẫn cho tôi với một ánh sáng của Người để làm cho tôi lấy một quyết định đúng đắn hơn, không phải cho thiện ích của tôi, nhưng cho thiện ích của Giáo Hội. Tôi đã đi bước này trong ý thức tràn đầy về sự nghiêm trọng và cũng mới mẻ của nó, nhưng với một sự thanh thản sâu xa trong tâm hồn. Yêu thương Giáo Hội cũng có nghĩa là can đảm có những lựa chọn khó khăn, đau khổ, nhưng luôn luôn có trước mắt thiện ích của Giáo Hội, chứ không phải của chính mình.
Ở đây xin cho phép tôi trở lại ngày 19 tháng 4 năm 2005 một lần nữa. Sự nghiêm trọng của quyết định cũng đã là ở nơi sự kiện từ lúc đó trở đi tôi đã được luôn luôn và vĩnh viễn dấn thân bởi Chúa. Luôn luôn - ai lãnh sứ vụ Phêrô thì không còn có sự tư riêng nào nữa. Người ấy luôn luôn và hoàn toàn thuộc về tất cả mọi người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Như thể nói rằng chiều kích riêng tư bị lấy mất khỏi cuộc sống người ấy. Tôi đã kinh nghiệm và tôi đang trải nghiệm điều đó giờ đây, rằng một người nhận lấy cuộc sống chính khi cho nó đi. Trước đây tôi đã nói rằng nhiều người yêu mến Chúa thì cũng yêu mến Người Kề Vị Thánh Phêrô và cũng trở thành trìu mến đối với ngài; rằng Giáo Hoàng thật sự có các anh chị em, con cái nam nữ trên toàn thế giới, và rằng ngài cảm thấy an toàn trong vòng tay sự hiệp thông của họ; bởi vì ngài không thuộc về chính mình nữa, nhưng thuộc về tất cả mọi người và tất cả mọi người thuộc về ngài."
Ðức Thánh Cha giải thích thêm ý nghĩa sự kiện "luôn luôn" như sau: "Sự "luôn luôn" cũng là một sự "vĩnh viễn" - không còn có việc trở lại sự riêng tư nữa. Quyết định của tôi từ bỏ việc tích cực thi hành sứ vụ không thu hồi điều này. Tôi không trở lại đời sống tư, một đời sống gồm các cuộc du hành, các cuộc gặp gỡ, tiếp kiến, diễn thuyết vv... Tôi không từ bỏ thập giá, nhưng tôi ở lại trong một cach thức mới mẻ gần Chúa bị đóng đanh. Tôi không mang quyền bính của nhiệm vụ cai quản Giáo Hội nữa, nhưng như để nói rằng trong việc phục vụ cầu nguyện tôi ở bên trong ranh giới của thánh Phêrô. Thánh Biển Ðức, mà tôi mang tên như Giáo Hoàng, sẽ là gương sáng vĩ đại cho tôi trong điều này. Người đã chỉ cho chúng ta thấy con đường cho một đời sống, mà tích cực hay thụ động, hoàn toàn tùy thuộc vào công trình của Thiên Chúa.
Tôi xin cám ơn tất cả và từng người một, cả về sự tôn trọng và cảm thông mà với chúng anh chị em đã tiếp nhận quyết định quan trọng này. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với con đường của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện và suy tư, với sự tận tụy đối với Chúa và Hiền Thê của Người, mà tôi đã tìm cách sống cho tới giờ này mỗi ngày, và tôi muốn sống nó luôn mãi. Tôi xin anh chị em nhớ tới tôi trước mặt Thiên Chúa, và nhất là cầu nguyện cho các Hồng Y, được mời gọi cho một nhiệm vụ lớn lao như vậy, và cho Người Kế Vị mới của Tông Ðồ Phêrô: xin Chúa đồng hành cùng ngài với ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí Người.
Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử hiền mẫu của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ đồng hành với từng người trong chúng ta và toàn thể cộng đoàn giáo hội; Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ với lòng tin tưởng sâu xa. Các bạn thân mến! Thiên Chúa hướng dẫn giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội, cả và nhất là trong những lúc khó khăn. Chúng ta đừng bao giờ mất đi quan niệm đức tin này, là quan niệm duy nhất đích thật của con đường của Giáo Hội và của thế giới. Ước chi trong con tim chúng ta, trong con tim của từng người trong chúng ta, luôn có sự chắc chắn tươi vui rằng Chúa ở gần chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, Người ở gần chúng ta và bao bọc chúng ta với tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em!" Bài huấn dụ của Ðức Thánh Cha đã bị cắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của tín hữu.
Khi Ðức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ, các Hồng Y và mọi người đã đứng lên vỗ tay rất lâu. Ðức Thánh Cha cũng đứng lên đáp lễ. Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Phàp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, A rập, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac, Rumani và tiếng Ý.
Chào các tín hữu Italia Ðức Thánh Cha nói: "Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn sự tham dự đông đảo của các bạn trong buổi gặp gỡ này, cũng như lòng thương mến của các bạn và niềm vui của đức tin. Ðó là các tâm tình mà tôi xin hết lòng đổi lại bằng cách bảo đảm với các bạn lời cầu nguyện của tôi cho các bạn hiện diện nơi đây, cũng như cho thân bằng quyến thuộc và những người thân thiết của các bạn.
Ngỏ lời với người trẻ Ðức Thánh Cha xin Chúa đổ tràn đầy tình yêu của Người trong tim họ để họ sẵn sàng hăng hái theo Chúa. Ðức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các người đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với sự thanh thản. Và ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới biết làm cho gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện.
Sau cùng Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Vào Lúc 11 giờ sáng thứ năm 28 tháng 2 năm 2013 Ðức Thánh Cha sẽ gặp các Hồng Y hiện diện tại Roma trong phòng Clemente để chào từ biệt các vị. Vào lúc 5 giờ chiều ngài lấy trực thăng đi Castel Gandolfo. Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều ngài ra bao lơn dinh nghỉ mát Castel Gandolfo đễ chào tín hữu thành phố. Ðây cũng là lần xuất hiện cuối cùng trong tư cách là Giáo Hoàng Roma. Vì từ lúc 8 giờ tối sau đó ngài không còn giữ chức Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nữa. Tuy vẫn tiếp tục được gọi là Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, hay Ðức Nguyên Giáo Hoàng Biển Ðức XVI, hay Ðức Nguyên Giáo Hoàng, nhưng Ðức Ratzinger sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai, không có nhẫn Giáo Hoàng, vì nhẫn này sẽ bị phá hủy, và cũng không mang giầy mầu đỏ. Cũng từ lúc 8 giờ tối thứ năm 28 tháng 2 năm 2013 đội cận vệ Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo chấm dứt nhiệm vụ và giao quyền lại cho đội Hiến Binh Vaticăng. Ðức Ratzinger sẽ cư ngụ tại Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong tu viện của các nữ tu dòng kín được tu sửa lại, tại nội thành Vaticăng trong thinh lặng và cầu nguyện. Cùng hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu nguyện cho Ðức Biển Ðức XVI, cho Giáo Hội, và cho Hồng Y Ðoàn sắp nhóm Mật Nghị. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để các vị bầu vị Tân Giáo Hoàng theo ý Chúa muốn.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Phải tin Thiên Chúa hơn tin người đời.

Thứ Năm Tuần II MC


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Năm Tuần II MC

Bài đọc: Jer 17:5-10; Lk 16:19-31.

1/ Bài đọc I5 ĐỨC CHÚA phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời ĐỨC CHÚA!

6 Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,
hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,
trong vùng đất mặn không một bóng người.

7 Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.
8 Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong,
mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,
gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.

9 Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?
10 Ta là ĐỨC CHÚA, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can.
Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.


2/ Phúc Âm19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.
20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,
21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.
24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!
25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,
28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!
29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.
30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.
31 Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tin Thiên Chúa hơn tin người đời.

Nếu một người tin ai hay tin điều gì thì họ sẽ cậy dựa vào điều đó. Ví dụ, nếu một người tin có tiền mua tiên cũng được, họ sẽ ra sức làm sao cho có nhiều tiền; hay nếu một người tin có uy quyền sẽ có tất cả, họ sẽ lo làm sao cho được một địa vị cao trong xã hội. Nhưng nếu một người tin hạnh phúc không lệ thuộc vào những lợi lộc vật chất, họ sẽ đi tìm những giá trị tinh thần qua những lời khôn ngoan của bậc thánh hiền.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc phải tin và cậy dựa vào Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah đưa ra hai mẫu người với hai niềm tin khác nhau. Tiên tri nói: Phúc thay cho những ai cậy dựa vào Thiên Chúa. Họ như cây trồng bên suối nước, sẽ luôn sinh hoa kết quả và không bao giờ bị khô héo. Nhưng khốn thay cho kẻ tin vào sức phàm nhân, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, và lúc nào cũng như đang sống trong đồng khô cỏ cháy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu gương để dạy cho dân một bài học: một người giàu có và Lazarus, người nghèo khó. Người giàu có dùng tiền bạc của mình để sống phung phí trên sự nghèo khó của Lazarus. Khi cả hai chết đi, cuộc sống hai người bị đảo ngược: Lazarus được ngồi trong lòng tổ-phụ Abraham trên trời; trong khi người giàu có phải chịu cực hình trong lửa đời đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải đặt niềm tin nơi nào cho đúng.

1.1/ Hai niềm tin: Tục ngữ Việt Nam có câu: “chọn mặt gởi vàng, chọn người để tin.” Để lập gia đình cũng thế, nếu một người biết lựa chọn kỹ lưỡng người để kết hôn theo những giá trị tinh thần, cuộc sống gia đình tương lai sẽ bền vững; nhưng nếu chỉ “vơ bèo vạt tép,” làm sao có thể ở với nhau suốt đời được? Tương tự như thế trong khi chọn người để ký thác cả phần hồn lẫn phần xác, con người phải lựa chọn giữa Thiên Chúa, phàm nhân, hay của cải vật chất. Khi con người chọn tin vào ai, họ sẽ làm quyết định theo niềm tin của họ. Tiên tri Jeremiah đưa ra hai lựa chọn căn bản và những hậu quả của chúng.
(1) Tin ở người đời: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.”
Tiên tri Jeremiah sống trong thời gian lịch sử mà đa số dân tộc Israel, vua cũng như dân, quay lưng lại với Thiên Chúa. Hezekiah, Vua Judah đã chọn tin tưởng nơi Vua Ai-cập hơn là tin tưởng nơi Thiên Chúa. Hậu quả là vương quốc bị rơi vào tay Vua Babylon và tòan dân bị lưu đày. Điều khờ dại nhất của con người là chọn những tạo vật của Thiên Chúa làm ra thay vì chọn chính Đấng đã tạo dựng nên mọi sự. Điều ma quỉ dùng để cám dỗ con người là làm cho con người chỉ chú trọng đến hậu quả hiện tại tạm thời, mà quên đi quá khứ và không cần nhìn đến tương lai.
(2) Tin ở Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”
Khi một người khôn ngoan sống theo niềm tin của mình, chọn Thiên Chúa là điều quá hiển nhiên, vì Ngài là nguồn gốc mọi sự. Làm sao một người có uy quyền để bảo vệ một người như Thiên Chúa? Thánh Polycarp, khi được quyến dũ để bỏ Thiên Chúa, đã khẳng khái trả lời: “Trong 86 năm tôi đã phục vụ Ngài, Ngài đã không bao giờ gây ra bất kỳ thiệt hại gì cho tôi: Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Vua và Đấng Cứu Chuộc của tôi?”

1.2/ Thiên Chúa thấu suốt lòng con người: Tin thế nào sẽ sống như vậy; cuộc sống con người biểu tỏ những gì con người tin. Họ sẽ phải ra trước tòa phán xét để trả lời với Thiên Chúa về cuộc sống của họ. Khi đó, họ không thể nói họ đã tin Thiên Chúa trong lòng hay tuyên xưng Ngài bằng miệng lưỡi được, vì đời sống của họ sẽ là bằng chứng tố cáo họ. Lời tiên tri Jeremiah cũng cảnh cáo những con người hai lòng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.”

2/ Phúc Âm: Lazarus tin nơi Thiên Chúa.

2.1/ Ông nhà giàu tin nơi sự giàu có của mình: Chỉ trong ít lời ngắn ngủi, Thánh sử Lucas đã lột tả được sự bất công giữa lòai người: một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người, vừa nghèo khó lại vừa bệnh tật, tên là Lazarus, nằm trước cổng ông nhà giàu. Lazarus thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Cuộc đời sau đảo lộn thứ tự của cuộc đời này. Người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarus trong lòng tổ phụ. Ông kêu cứu: "Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Lazarus nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

2.2/ Lazarus tin nơi tình yêu Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong trời đất cho mọi người hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân, mà chỉ là những người quản lý của cải của Thiên Chúa. Vì thế, con người không được quyền phung phí của cải trong khi những người nghèo không có của ăn. Nếu họ không san sẻ của cải cho người nghèo, họ sẽ phải nghe những lời như Abraham nói với người giàu có: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazarus suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarus được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

2.3/ Bài học cho người còn sống: Sống thế nào sẽ phải lãnh nhận hậu quả như vậy. Nếu chưa biết cách sống, con người phải tìm tòi học hỏi để biết sống, nhất là qua Kinh Thánh. Việc hóan cải đòi nhiều nỗ lực và thời gian, chứ không phải khi muốn là được. Người giàu có xin Abraham sai Lazarus đến nhà để cảnh cáo cho năm người anh em của ông cũng đang sống bất công như vậy, nhưng Abraham đáp: "Nếu Moses và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai điều: tin nơi Thiên Chúa hay nơi phàm nhân. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ: “cả Thiên Chúa lẫn tiền tài.”
- Tin thế nào sẽ sống thế ấy; cuộc sống là biểu tỏ những gì con người tin. Chúng ta không thể chỉ tin trong lòng hay nơi “chót lưỡi đầu môi.”

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Lãnh đạo bằng phục vụ và chịu đau khổ.

Thứ Tư Tuần II MC


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Tư Tuần II MC

Bài đọc: Jer 18:18-20; Mt 20:17-28.

1/ Bài đọc I18 Chúng nói: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói."
19 Lạy ĐỨC CHÚA, xin để ý đến con
và nghe những kẻ tố cáo con nói đó.

20 Nào có ai lấy oán đền ơn?
Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài
để nói tốt nói hay cho chúng,
để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.


2/ Phúc Âm17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:
18 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,
19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.
21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."
22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi."
23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.
25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.
27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."



 GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lãnh đạo bằng phục vụ và chịu đau khổ.

Con người ham quyền hành, chức tước, và địa vị quan trọng trong xã hội; vì khi họ nắm quyền hành, họ sẽ được ra lệnh; khi có chức tước, họ sẽ được mọi người biết tới; và khi làm lớn, họ sẽ được dân chúng hầu hạ. Để đạt được những điều này, nhiều người đã dùng mọi cách để có ưu thế trước, ngay cả việc dùng những thủ đọan để hạ bệ người khác. Điều này được coi là thông thường với các nhà lãnh đạo thế gian, nhưng bị Thiên Chúa ngăn cấm với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Các Bải đọc hôm nay xoay quanh hai cách lãnh đạo khác nhau này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah khó chịu khi làm việc lành cho dân, đã không được họ biết ơn thì chớ, lại còn bị các nhà lãnh đạo trong dân hội họp nhau, để lập mưu hãm hại ngài. Trong những trường hợp như thế, nhà lãnh đạo tôn giáo dễ nản chí, bỏ cuộc, và ngay cả xin Thiên Chúa báo thù. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu loan báo Cuộc Khổ Nạn sắp tới của Ngài lần thứ ba, người mẹ của hai môn đệ Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho hai con được “một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong Nước Chúa.” Điều này gây chia rẽ giữa các môn đệ. Chúa Giêsu phải dạy dỗ để các ông hiểu cách lãnh đạo của người môn đệ Chúa: phải phục vụ mọi người và hy sinh chịu gian khổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lấy óan đền ơn.

1.1/ Người ngôn sứ phải chịu bắt bớ đau khổ: Điều này hiển nhiên, vì họ phải nói những gì Thiên Chúa nói; và những điều Thiên Chúa nói, nhiều khi là những điều con người không thích nghe. Các ngôn sứ giả nói những điều thiên hạ muốn nghe, nên được mọi người yêu thích. Còn Jeremiah, ông phải nói những gì thiên hạ không muốn nghe như loan báo: chiến tranh, phá hủy và lưu đày. Vì thế, không lạ gì mà ông phải chịu đau khổ. Họ nói với nhau: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Jeremiah. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết; thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến; thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói." Họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự xảy ra trong trời đất: họ có thể làm cho Jeremiah chịu đựng đau khổ, nhưng không ngăn cản được những gì Thiên Chúa sắp đổ xuống trên họ.

1.2/ Người ngôn sứ dễ mất kiên nhẫn khi phải đương đầu với bạc bẽo, vong ân: Qua đời sống của các tiên tri, chúng ta học được bài học đau khổ của các ngài: một đàng vì thương dân, không muốn dân phải chịu đau khổ, nên cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương xót, và đừng đổ đại họa xuống trên dân; một đàng tức giận vì sự ngoan cố của họ, đã không chịu ăn năn trở lại, mà còn tính kế lập mưu để làm hại những người thương yêu lo lắng cho họ. Tiên tri Jeremiah bày tỏ sự bất mãn của ông với dân lên Thiên Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng.
Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng ra trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng.”


2/ Phúc Âm: Tham quyền và củng cố địa vị.

2.1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?
(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:4-5).
(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.

2.2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.

2.3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”
Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.
- Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

HÃY SÁM HỐI, TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA

HÃY SÁM HỐI, TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA

Image
Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C – Lc 13,1-9
Thứ Tư – 27/02/2013
XIN ƠN THÁNH THẦN
Trong tâm tình hướng về Mùa Chay Thánh, mùa cầu nguyện, ăn chay, làm việc lành phúc đức, sám hối trở về với Chúa, kính mời cộng đoàn hiệp ý xin Chúa Thánh Thần ngự đến giúp chúng ta tham dự giờ suy tôn Lời Chúa chiều nay thật sốt sắng.
(Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Lc 13,1-9.
  1. A.   LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Giáo Hội sẽ công bố Tin Mừng Lc 13,1-9 vào Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C với chủ đề:
HÃY SÁM HỐI, TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA
  1. B.    TÌM HIỂU CHI TIẾT DƯỚI HÌNH THỨC SUY NIỆM
Chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn Tin Mừng dưới hình thức suy niệm. Có hai suy niệm dựa vào bố cục  bản văn. Trước và sau mỗi suy niệm, mời cộng đoàn hát:
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Suy Niệm 1: NẾU KHÔNG SÁM HỐI THÌ SẼ CHẾT HẾT NHƯ VẬY (Lc 13,1-5)
Mở đầu trình thuật, tác giả Tin Mừng Luca cho biết, có mấy người đến kể cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Đức Giêsu đã nêu lên hai biến cố thời sự để dạy những bài học quan trọng. Hai biến cố khác hẳn nhau: Một biến cố mang tính chính trị còn biến cố kia là một tai nạn, nhưng cả hai trường hợp đều có nhiều người chết.
Trong biến cố thứ nhất, tổng trấn Philatô cho giết một số người Galilê ngay cả khi họ đang dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Cuộc đời họ chấm dứt thình lình vào lúc họ đang cử hành những lễ nghi đạo đức nhất trong nơi rất thánh là đền thờ.
Chúng ta không rõ tại sao ông Philatô đã quyết định cho giết người trong đền thờ. Dân chúng nghĩ rằng, những người Galilê ấy chắc là thật sự xấu mới bị giết cách đó. Dân suy đoán rằng, Thiên Chúa không ưa những lễ vật của những người ấy và vì thế đã để cho hành vi phạm thánh này xảy ra.
Rồi Đức Giêsu xét đến biến cố thứ hai, lần này hoàn toàn là một tai nạn, khi một ngọn tháp đổ xuống đè chết mười tám người.
Đức Giêsu nói rõ là trong cả hai trường hợp, những người đã chết không xấu hơn những người đang nghe Người nói hay không xấu hơn bất cứ ai khác, kể cả bọn lính Rô-ma. Đức Giêsu nhấn mạnh rằng, tất cả mọi người lúc này đây phải sám hối và từ bỏ tội lỗi, bằng không tất cả sẽ bị Thiên Chúa xét xử và trừng phạt. Đó chính là chuyện sống còn của mỗi người. Đức Giêsu sẽ nói rõ hơn giáo huấn của Người qua dụ ngôn cây vả không sinh trái chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần cuối bản văn Tin Mừng.
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Suy Niệm 2: ĐỜI SỐNG THAY ĐỔI SẼ SINH HOA TRÁI NƯỚC THIÊN CHÚA (Lc 13,6-9)
Trình thuật cho biết, sau đó, Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Đức Giêsu giáo huấn dân chúng bằng dụ ngôn đã kể. Người bảo những người đang nghe đừng có như cây vả. Đời sống thay đổi sẽ sinh hoa trái Nước Thiên Chúa, và Lời giảng dạy của Người là cơ hội để họ xem xét lại đời sống, sám hối và trở về với Thiên Chúa.
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Kết luận: Suy niệm Tin Mừng giúp chúng ta rõ nét bốn điều sau đây:
Thứ nhất: Điều ác do kẻ thù của ta gây ra không tệ hơn điều ác do ta gây ra đâu. (Lc 6,32).
Thứ hai: Công lý của Thiên Chúa vượt quá công lý của chúng ta rất xa, và chỉ thể hiện thật sự ở thế giới bên kia (trường hợp ông La-da-rô và người phú hộ (Lc 16,19).
Thứ ba: Những bất hạnh ở đời mà chúng ta coi là “hình phạt của Thiên Chúa” chỉ là những dấu hiệu, những biện pháp giáo dục mà Thiên Chúa gửi đến để làm chúng ta ý thức về tội lỗi của mình mà sám hối quay về cùng Thiên Chúa.
Thứ tư: Hãy tin Thiên Chúa là tình yêu, Người có quyền năng biến đổi sự dữ thành sự lành cho những ai tin cậy, yêu mến Người.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Tôi và chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng và tỏ thái độ cao ngạo rằng, mình đạo đức hơn người khác rồi chê trách ai đó, bảo rằng họ khô khan, nguội lạnh, tội lỗi, bị trừng phạt như thế là đáng tội, không kêu ca vào đâu được, thậm chí lấy thước của mình để đo người khác, buộc ai đó phải đạo đức như mình, siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ như mình. Người khác hoặc ai đó ở đây chính là người thân trong gia đình, là người trong xóm giáo, giáo xứ với mình, là người cùng phục vụ cộng đoàn với mình cho dù những người này đã từng có tì vết, tội lỗi công khai. Hãy nhớ lại trong Tin Mừng: Chính Đức Giêsu đã không hề kết án người tội lỗi.
2/ Đọc bản văn Tin Mừng, chúng ta có thể hiểu được rằng, Ông chủ vườn chính là Thiên Chúa Cha, Đấng thưởng phạt công minh (nhất là theo quan niệm của người Do-thái thời Cựu-Ước). Còn người làm vườn chính là Đức Giêsu, Đấng nhân hậu từ bi, giàu lòng thương xót, Người luôn kiên nhẫn đợi chờ kẻ tội lỗi sám hối, quay về cùng Thiên Chúa, chứ không phải Người đầu hàng kẻ gian ác, để chúng tự tung tự tác lao vào con đường bất chính. Hiểu như thế, tôi và chúng ta, mỗi người hãy nhìn lại chính mình để thấy rằng mình là tội nhân, vì không ai được sinh ra trong cõi nhân gian này mà không mắc tội (tội nguyên tổ và tội mình làm) ngoại trừ Đức Giêsu và Mẹ của Người. Biết thân phận mình như vậy, mỗi người chúng ta hãy sám hối, tin vào Tin Mừng, trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ, ơn cứu độ, được sự sống vĩnh cửu.
3/ Cây vả không sinh trái trong dụ ngôn phải chăng ám chỉ con người tội lỗi của mỗi người chúng ta. Đúng! Mỗi người chúng ta là một cây vả khô cằn, đã bao năm không sinh lợi gì cho ông chủ khiến ông chủ ra lệnh cho người làm vườn chặt đi vì để như vậy chỉ làm chật đất, hư đất. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không sinh lợi gì cho Thiên Chúa, cho tha nhân; thay vào đó chỉ làm điều gian ác bất chính gai mắt Chúa, xốn mắt tha nhân. Quả thật, cái rìu luôn đặt bên gốc cây vả không sinh trái, án phạt của Thiên Chúa luôn kề cận mỗi người chúng ta, chỉ chờ đợi ngày Thiên Chúa chặt đi và quẳng vào lửa. Mỗi người chúng ta nhân cơ hội này, gẫm suy tình thương của Chúa, Người luôn kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta sám hối quay về làm hòa cùng Thiên Chúa.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (câu 3và 5).
2/ “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” (câu 7)
3/ “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Câu 8 và 9).
LỜI NGUYỆN
1/ Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức mình tội lỗi hơn người khác, không bao giờ làm quan tòa xét đoán, lên án họ cho dù họ có phạm lỗi công khai, vì công lý của Chúa bao giờ cũng khác với công lý của  thế gian.
2/ Lạy Chúa Giêsu, lòng nhân hậu và thương xót của Chúa, sự kiên nhẫn đợi chờ của Chúa luôn mời gọi chúng con sám hối, quay về nẻo chính đường ngay. Xin đón nhận chúng con như người cha nhân hậu đón nhận người con hoang đàng trở về sau bao tháng ngày xa cha, sống thác loạn trong tội lỗi.
3/ Lạy Chúa Giêsu, mỗi chúng con là một cây vả không sinh trái. Xin giúp chúng  con biết hợp tác với người làm vườn là Ngài, để Ngài chăm bón cho đời sống thiêng liêng của chúng con mỗi ngày thêm tăng trưởng nên ích cho phần rỗi chúng con, nên chứng nhân loan báo Tin Mừng cho lương dân, chia sẻ đức tin cho những ai chưa biết Chúa trong Năm Đức Tin 2013 và Năm Thánh sắp mở ra trong Giáo Xứ của chúng con.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Biên soạn: Gioa-kim Phạm Văn Lượng

Thực hành đức tin.

Thứ Ba Tuần II MC


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Ba Tuần II MC

Bài đọc: Isa 1:10, 16-20; Mt 23:1-12.

1/ Bài đọc I10 Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán.
Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo.

16 Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết,
và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.

17 Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình,
sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

18 ĐỨC CHÚA phán: "Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!
Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết;
có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

19 Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.
20 Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo."
Miệng ĐỨC CHÚA đã phán như vậy.


2/ Phúc Âm1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:
2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.
5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,
7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành đức tin.

Chúng ta thường phán xét con người theo những gì chúng ta thấy bên ngòai, vì chúng ta không thấy được những gì trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đóan và chọn lựa. Đến khi chúng ta phát giác ra đó không phải là con người thật của họ, nhiều lần chúng ta đã phải đau đớn thốt lên: “Thật! không thể nào ngờ được!” Hay, “bề ngòai thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm một bồ dao găm.”
Thiên Chúa phán xét rất khác chúng ta, vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Điều nguy hiểm cho chúng ta là vì quá quen với sự phán đóan bên ngòai, nên chúng ta cũng “quen thói đóng kịch” khi đến với Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta bị lên án nặng nề.
Các Bài Đọc hôm nay đề phòng chúng ta khỏi những thói quen nguy hiểm này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Israel hãy vứt bỏ các tội ác khi đến cầu xin với Thiên Chúa. Nếu muốn Ngài nhận lời cầu xin và chúc phúc, họ phải ăn năn xám hối và thực thi công bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách thái độ giả hình và kiêu ngạo của các kinh-sư và Biệt-phái. Ngài đề phòng các tông đồ đừng bắt chước những hành động của họ và dạy dỗ các ông chú ý đến thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ bên trong.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy sống thành thật và thực thi công bình.

1.1/ Phải thay đổi cuộc sống: Như đã nói nhiều lần, giao ước của Thiên Chúa với Israel là giao ước có điều kiện. Ngài sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân giữ Lề Luật; nếu họ bất tuân không giữ, Ngài sẽ để họ làm mồi cho quân dữ. Các tiên-tri được Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở dân biết xét mình và ăn năn trở lại. Tiên-tri Isaiah đưa ra 3 điểm chính:
(1) Trút bỏ tội ác: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” Hai tội chính được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi các tiên-tri: giả hình khi đến với Thiên Chúa và bất công xã hội.
(2) Xưng thú tội lỗi: Đức Chúa phán: "Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Thiên Chúa không chấp tội con người, nhưng sẵn sàng tha thứ khi con người nhận ra tội lỗi của mình và xám hối; không có tội gì là không thể tha thứ đối với Ngài.
(3) Tập làm điều thiện: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế vì những người này ít khi được bảo vệ bởi xã hội. Những người có quyền thế là những người dễ bị mua chuộc và đối xử bất công với những hạng người này.

1.2/ Hậu quả của hành động: Sống thế nào, phải chịu kết quả như vậy. Tiên-tri Isaiah chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa hứa khi làm giao ước với Moses, bằng cụm từ khác: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo." Nói cách khác, nếu họ vâng lời Thiên Chúa và thực thi công bằng, họ sẽ có hòa bình, đất đai sẽ sinh hoa quả để nuôi dưỡng họ; nếu họ bất tuân, chiến tranh sẽ xảy ra: ngọai xâm hay nội chiến, lúc đó họ sẽ chết vì gươm giáo hay phải lưu đày xa quê hương.

2/ Phúc Âm: Tri hành đồng nhất

2.1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:
(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.
Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: "Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”
(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.
Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.
1.2/ Sống thật với con người của mình:
(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "Rabbi".” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.
- Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Biến hình: Bài giảng lễ tối 24.02.2013

Biến hình: Bài giảng lễ tối 24.02.2013

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/index.php/2013/02/25/bien-hinh-bai-giang-le-cong-ly-hoa-binh-toi-24-02-2013/

Mã HTML để dán lên website
VRNs (25.02.2013) – Sài Gòn – Muốn thay đổi thế giới, hãy biến đổi chính mình. Bài giảng lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình ngày 24.02.2013 – Lời Chúa CN II MC Năm C: St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28-36.
Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại biến cố CG biến hình đổi dạng trên núi Tabor. Biến cố này xảy ra tám ngày sau khi CG tiên báo lần đầu tiên về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Ngài sẽ trải qua ở Giê-ru-sa-lem. Lời tiên báo đó làm cho các môn đệ rúng động, hoang mang. Chính vì thế, theo các nhà chú giải, việc CG biến hình trên núi Tabor là để củng cố lòng tin của các môn đệ và cho họ thấy trước vinh quang phục sinh mà Ngài sẽ bước vào sau cuộc thương khó. Vậy, với biến cố này, Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay?
Việc CG biến hình trên đỉnh núi Tabor trước tiên là một kinh nghiệm siêu nhiên. Ba môn đệ – Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê – được đặc ân chứng kiến CG biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa. Kinh nghiệm đó tuyệt vời đến nỗi ông Phê-rô không muốn xuống núi nữa!
Biến hình còn là một hiện tượng rất bình thường trong thế giới tự nhiên. Ai trong chúng ta có lẽ cũng biết hay từng chứng kiến hiện tượng sâu hóa bướm. Nếu chỉ nhìn bướm không ai có thể tưởng tượng được nó đã từng là một con sâu. Đó là một sự biến đổi tự nhiên kỳ diệu và đáng ao ước biết bao!
Thế nên, không chỉ có Phê-rô muốn cắm lều ở lại trên đỉnh Tabor. Mỗi người, trong hoàn cảnh cụ thể của mình, đều ao ước giá như mình cũng sẽ được biến hình như Chúa, hay như nàng bướm xinh đẹp kia, mình cũng có thể hóa thân, đổi đời, để nên tốt hơn, xinh đẹp hơn.
Đó cũng là ước mơ, là khát vọng của cả một tập thể, một dân tộc. Tết Nhâm Thìn năm ngoái nhiều người cầu mong nước Việt sẽ “hóa rồng”, nhưng tiếc thay, rồng đâu chẳng thấy chỉ thấy rắn. Năm nay, nhiều người lại quay sang ôm ấp hy vọng rằng nhờ ơn trên, trong năm Quý Tỵ này, Việt Nam có khả năng “lột xác” như rắn để thoát cảnh nhiễu nhương, bất công… (bỏ 12 chữ).
Nhưng xét cho cùng, biến hình không dừng lại là một hiện tượng tự nhiên hay kinh nghiệm siêu nhiên, biến hình là một tiến trình tất yếu của sự sống và của ơn cứu độ.
Là một tiến trình tất yếu hay tự nhiên của sự sống, vì theo Darwin sự sống là một tiến trình phát triển, biến đổi liên tục và có chọn lọc. Điều này có nghĩa những gì không có khả năng biến hóa và thích nghi, tự nó sẽ bị đào thải. Thực tế, ngày nay nhiều loài bị tuyệt chủng vì chúng không còn khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường. Như lá rụng mùa thu, bao nhiêu triều đại và thể chế chính trị lần lượt sụp đổ khi chúng trở nên lỗi thời và chống lại con người. Thế nên người đời mới có câu: “Quan một thời, dân vạn đại”!
Chính vì thế, như một quy luật tự nhiên của sự sống, để tồn tại và phát triển, mọi người và mọi thể chế xã hội, đạo cũng như đời, cũng cần phải thay đổi, thích nghi và phát triển luôn theo hướng làm thế nào để tạo ra một xã hội ngày càng tốt hơn, công bằng và nhân đạo hơn, trong đó phẩm giá và các quyền căn bản của con người được tôn trọng. Theo lối chơi chữ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đó là một xã hội loài người mà phần “con” không được phép lấn lướt phần “người”.
Lo phát triển kinh tế mà không lo phát triển con người thì chẳng khác nào kiếm tiền bỏ vào túi rỗng, như gió vào nhà trống! Trong hoàn cảnh này, mức tăng trưởng kinh tế dù cao đến mấy cũng không thể hóa giải các vấn đề xã hội và tệ nạn xã hội. Ngay trong gia đình, có biết bao người vì lo làm giàu mà bỏ bê việc giáo dục, uốn nắn con cái, thì dù có kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ để cải thiện tình hình của gia đình, sửa dạy những đứa con hư hỏng, nghiện ngập.
Biến hình còn là một quy luật tất yếu của ơn cứu độ, vì để cứu độ nhân loại, chính CG đã trải qua một tiến trình biến đổi liên tục và toàn diện trong suốt cuộc đời. Trên trần của nguyện đường trong lòng Nhà thờ Chúa biến hình trên đỉnh Tabor, có bốn bức tranh mosaic mô tả việc biến hình của CG trong các mầu nhiệm: giáng sinh, thánh thể, chết và sống lại. Như thế, CG biến hình không chỉ một lần, mà suốt đời, và có thể nói Ngài còn tiếp tục biến hình trước mắt chúng ta trong nhiệm tích Thánh Thể, cũng như hóa thân hiện diện nơi những con người hèn mọn, thấp cổ bé miệng cho tới ngày tận thế. 
Hơn nữa, sự kiện CG biến hình trên núi Tabor không chỉ báo trước mầu nhiệm phục sinh của riêng Ngài, mà còn tiên báo về sự biến đổi kỳ diệu nơi tất cả những ai tin vào Ngài. Trong Bài đọc 2, thánh Phao-lô bảo rằng: CG “sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3,21).
Như thế, khát vọng đổi đời, “hóa bướm”, “hóa rồng” hay được biến hình đổi dạng như CG, không phải là điều không tưởng hay mơ ước hão huyền, mà là một quy luật, một đòi hỏi tất yếu của sự sống và của ơn cứu độ. Như sâu hóa bướm, người ta không chỉ có thể mà cần phải biến đổi để nên người trưởng thành và nên con Chúa. Vấn đề là để được như thế, chúng ta phải gì và bắt đầu từ đâu?
Kinh nghiệm trên núi Tabor cho chúng ta thấy, để biến đổi các môn đệ và để cứu độ thế gian, CG đã biến đổi chính mình trước tiên. Như thế, mọi việc cần phải bắt đầu từ chính mình và điều đầu tiên cần phải làm là biến đổi chính mình.
Cha Anthony De Mello kể rằng:
Bayazid, một đạo sĩ phái Sufi, nói về mình như sau:
“Lúc còn trẻ, tôi là một nhà cải cách và lời cầu nguyện của tôi với Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế gian”.
“Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận ra rằng đời tôi chỉ còn một nửa mà tôi chưa biến đổi được ai cả, nên tôi cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, xin cho con được ân huệ này là biến đổi được những người xung quanh con, gia đình, bạn bè và những người con gặp gỡ’.”
“Nay đã về già, lời cầu nguyện của tôi chỉ vỏn vẹn: “Lạy Chúa, xin ban cho con biến đổi được chính con”.
Từ đó ông kết luận: “Nếu từ ban đầu tôi biết cầu nguyện như vậy thì tôi đã không phí phần lớn đời mình”.
Con người luôn mong biến đổi người khác và cả nhân loại, trừ chính mình.
Người xưa bảo “có tu thân, tề gia, trị nước, mới bình thiên hạ”; còn ngày nay, nhiều người lại thích “đi ngang về tắt”, thích thành công kiểu “mì ăn liền”, và như con thiêu thân họ sẵn sàng làm điều trái ngược, bất chấp luân thường đạo lý – “thượng đội hạ đạp”, “hèn với giặc, ác với dân”!
Đó là những người mà thánh Phao-lô phải khóc mà nói rằng: Họ “sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn” (Pl 3,18-19).
Trong thực tế, với tư cách cá nhân, người ta không thể thăng hoa hay “đổi đời” nếu không chấp nhận thay đổi bản thân, chấp nhận một cuộc lột xác thực sự như sâu hóa bướm. Ở tầm mức tập thể, không thể đổi mới, “tái cấu trúc” xã hội và giáo hội nếu trước tiên không đổi mới và “tái cấu trúc” con người. Không thể cải cách giáo dục nếu những người làm giáo dục lại thiếu mô phạm và đạo đức. Cũng không thể chống tham nhũng nếu chính những người hô hào chống tham nhũng lại… tham nhũng. “Thượng bất chính, hạ tác loạn”, có sửa đổi hiến pháp cũng sẽ chẳng đi đến đâu và chỉ là trò mị dân, nếu các nhà lãnh đạo lại ngồi xổm trên luật lệ, trên hiến pháp. Cho nên, muốn thay đổi một cơ chế nào đó  trước hết phải thay đổi con người, thay đổi não trạng, thay đổi lối sống… và người đầu tiên cần thay đổi là chính chúng ta.
Chính vì thế, ước mơ đổi đời, “hóa bướm”, “hóa rồng”… là một khát vọng chính đáng của con người và việc cầu nguyện cho công lý hòa bình, cho một xã hội công bằng và nhân bản hơn, là điều vô cùng cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng thiết nghĩ, để ước mơ thành hiện thực và lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Chúa, điều trước tiên và quan trọng hơn cả, đó là mỗi người chúng ta cần phải trở về với sứ điệp căn bản của Tin Mừng đó là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); và như vị đạo sĩ trên mỗi người cần xin Chúa ban cho mình ơn này là biết chấp nhận lột xác, biến đổi chính mình, bằng cách thực lòng hoán cải và vâng nghe theo CG.
Đó cũng là sứ điệp của Chúa Cha trên núi Tabor: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người! ” (Lc 9,35)
Lạy Cha, xin cho mỗi người chúng con biết vâng nghe lời CG, để công lý và hòa bình được hiển trị trên thế gian này. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi con và ban cho con một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương. Xin CG biến đổi con nên một con người mới và nên khí cụ bình an của Chúa, để con biết “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”. Sáng danh Đức Chúa Cha,… – Amen.

Lm. Gioan Baotixita LÊ ĐÌNH PHƯƠNG, CSsR

Hãy tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ.

Thứ Hai Tuần II MC


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai Tuần II MC

Bài đọc: Dan 9:4-10; Lk 6:36-38.

1/ Bài đọc I4 Tôi đã cầu xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi, đã thú nhận và thưa Người rằng:
5 chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.
6 Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.
7 Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay - chúng con là những người Giu-đa, cư dân thành Giê-ru-sa-lem và toàn thể Ít-ra-en, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.
8 Lạy Đức Chúa, chúng con đáng phải hổ mặt hổ mày, cũng như vua chúa quan quyền và tổ tiên chúng con, vì chúng con đã đắc tội với Ngài.
9 Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.
10 Chúng con đã không nghe tiếng của ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng con, để sống theo các luật lệ Ngài đã ban cho chúng con nhờ các tôi tớ Ngài là các vị ngôn sứ.

2/ Phúc Âm36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ.

Nhiều người hôm nay đã đánh mất ý thức tội lỗi; và như một hậu quả, họ phải chịu nhiều hình phạt do tội lỗi mang lại cho cá nhân, cho gia đình, cũng như cho xã hội. Hậu quả xảy ra cho cá nhân có thể thấy qua sự nóng nảy, ghen tương, và nghiền ngập đủ lọai. Hậu quả xảy ra cho gia đình có thể nhận ra qua những cãi vã, giận hờn, và chia ly cách biệt. Hậu quả xảy ra cho xã hội có thể nhìn thấy qua những tội ác, nghèo đói, và khủng hỏang kinh tế trầm trọng. Những điều này cho con người thấy tội lỗi không phải chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, nhưng gia đình và xã hội cũng phải chịu thiệt hại. Vì thế, mọi người trong xã hội đều có bổn phận khuyên bảo, dạy dỗ, và tạo một môi trường lành mạnh cho các cá nhân được lớn lên trong đó.
Người tín hữu Công Giáo có một bảo vật quí giá để giải quyết những vấn đề này là Bí-tích Giải Tội mà nhiều tín hữu đã không biết lợi dụng. Việc xét mình thường xuyên sẽ giúp cho các cá nhân nhận ra những thói quen xấu và sửa trị kịp thời. Tất cả các mặc cảm tội lỗi được tha thứ khi họ thú nhận tội với vị linh mục nơi tòa Giải-Tội. Xét mình còn giúp cho các cá nhân nhìn ra những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân, họ cũng là người yếu đuối và tội lỗi như mình. Nếu mình đã được Thiên Chúa tha thứ tất cả các tội, mình cũng phải tha thứ tất cả cho anh chị em như vậy. Điều này sẽ dẫn tới việc hàn gắn các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự quan trọng của việc ăn năn xám hối. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel nhìn rõ tất cả mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt trong nơi lưu đày. Họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa nhiều lần, và quay lưng lại với các tiên tri mà Ngài đã liên tục gởi đến cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Để thực hiện điều này, các môn đệ phải nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chính họ qua việc tha thứ các tội lỗi; trước khi họ có thể tỏ lòng nhân từ với anh em.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lời thú tội của tiên tri Daniel

Trong nơi lưu đày, người Do-Thái có nhiều thời gian và cơ hội nhìn lại quá khứ, để tìm hiểu ra lý do họ phải sống cực khổ xa quê hương. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, và Ngài hứa sẽ yêu thương và bảo vệ họ nếu họ tuân giữ các Lề Luật Ngài ban qua Moses. Tiên tri Daniel là người sống nơi lưu đày, khi xét mình đã nhận ra hai lỗi lầm lớn của tòan dân như sau:
(1) Tòan dân đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: TT Daniel thú nhận với Thiên Chúa: “Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.” Những tội chính các tiên tri đã tố cáo Israel trước khi bị lưu đày là bất trung, cúi đầu thờ lạy các thần ngọai và quay lưng lại Thiên Chúa; giả hình, dâng lễ vật và cầu nguyện cho qua lần chiếu lệ; bất công, dùng luật lệ để cướp của dân nghèo.
Nhận ra tội lỗi của mình cũng là lúc nhận ra sự công chính của Thiên Chúa: Ngài không vi phạm giao ước Ngài đã ký kết, chính Israel đã xé giao ước này khi phạm tội: “Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay - chúng con là những người Judah, cư dân thành Jerusalem và toàn thể Israel, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.”
(2) Tòan dân đã không vâng lời các tiên tri Thiên Chúa gởi đến: Thiên Chúa không sửa phạt các cá nhân hay tòan dân Israel ngay lần đầu sau khi họ phạm tội; nhưng Ngài kiên nhẫn gởi nhiều ngôn sứ tới, miền Nam cũng như miền Bắc, để kêu gọi họ ăn năn xám hối. Không những họ đã không nghe lời, lại còn đối xử tàn tệ với các tiên tri. TT Daniel thú tội: “Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.”
Mặc dù tòan dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng đáng đón nhận mọi hình phạt Ngài dùng để sửa trị; TT Daniel vẫn tin lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn các tội phản nghịch của Israel: “Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.” Tiên tri tin tưởng, nếu tòan dân biết ăn năn xám hối, Thiên Chúa sẽ xót thương và tha thứ.

2/ Phúc Âm: Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

2.1/ Xét mình và xưng tội thường xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói quen tốt được dùng để sửa trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân từ, con người phải qua một tiến trình như sau:
(1) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận ra tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên xét mình sẽ không nhận ra tội cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và dễ kiêu ngạo để phán xét và lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận ra tội lỗi để thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng giúp họ sửa trị kịp thời những thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy. Ai cũng biết thói quen xấu để lâu ngày rất khó chừa.
(2) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng tiến cá nhân, nhưng còn giúp cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình giúp con người nhận ra sự yếu đuối của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;” không ai không có tội. Nếu mình cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt người khác phải tốt lành, thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế, con người dễ dàng nhân từ và tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ tha thứ cả núi tội của mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi quá nhỏ của tha nhân, như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”

2.2/ Ăn ở rộng lượng với mọi người: Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Ngài thương yêu và tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều kiện gì trước khi tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, con người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha thứ nửa chừng, cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nhận ra mình là tội nhân giúp chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại, nếu không nhận ra mình là tội nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là hòan thiện; và rất dễ phê bình, xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người khác.
- Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối, và Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.
- Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình nào năng cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải quyết các xung đột.