CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Cưới Trước Khi Tiêu Hôn






Kính thưa cha,
Con có quen một người Việt kiều Công giáo bên Mỹ. Chúng con muốn tiến tới hôn nhân nhưng anh đã lập gia đình có phép đạo và đã ly hôn được 5 năm. Hiện nay anh đang làm thủ tục xin tiêu hôn nơi Tòa án Hôn Phối của Giáo phận nơi anh cư ngụ. Anh sẽ nhận được giấy tiêu hôn cuối năm 2009. Anh sẽ làm giấy tờ bảo lãnh cho con nhưng muốn cho nhanh thì cần phải làm giấy kết hôn và hình ảnh đám cưới để làm bằng chứng ở Tòa Đại Sứ. Chúng con sẽ làm giấy tờ ngoài đời và tổ chức đám cưới để tiện cho việc làm hồ sơ bảo lãnh. Con biết làm như vậy là không đúng luật đạo nhưng con phải làm sao trong trường hợp đặc biệt này? Nếu sống chung con có bị rối và có được xưng tội, rước lễ không? Nếu anh có giấy tiêu hôn chúng con có được làm phép Hôn Phối không?
Kính mong cha giải đáp. Cám ơn cha rất nhiều!
(Nguyễn Thị Anh Thư - Đồng Nai).
Câu trả lời
Chị Anh Thư mến,
Việc kết hôn với Việt kiều đã có gia đình và đã ly hôn về mặt dân sự hiện nay khá phổ biến. Trong trường hợp người Công giáo đang xin tiêu hôn nơi Tòa án Hôn Phối của Giáo Hội cần phải lưu ý đến những điểm sau đây của điều Giáo luật 1085:
§ 1. Người đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành.
§ 2. Dù hôn nhân trước bất thành hoặc được tháo gỡ vì bất cứ lý do nào, thì không vì đó mà được phép kết hôn lần nữa, trước khi thấy rõ cách hợp thức và chắc chắn rằng hôn nhân trước đã bất thành hoặc đã được tháo gỡ.
Như vậy chị chưa thể kết hôn với anh ấy vì Tòa án Hôn Phối chưa chính thức  tuyên bố hôn nhân trước của anh vô hiệu. Trong thời gian chờ đợi kết quả của Tòa án Hôn Phối thì không thể tiến hành hôn nhân vì nếu trong trường hợp Tòa án Hôn Phối kết luận hôn nhân trước vẫn thành sự thì chuyện hôn nhân của chị trở nên phức tạp và gây nhiều phiền toái cho đời sống đạo.
Nếu chị tổ chức đám cưới mà không có phép đạo thì những người Công giáo không thể tham dự, bởi như thế là tán thành cuộc hôn nhân bất hợp luật. Ở một số giáo phận Việt Nam thì ngay cả những người tham dự đám cưới như thế bị cấm xưng tội, rước lễ nếu chưa xin được tha vạ. Còn cha mẹ đứng ra tổ chức đám cưới sẽ không được tha bao lâu hôn nhân của con cái chưa được hợp thức hóa. Sau khi đám cưới mà hai người sống chung thì lẽ dĩ nhiên không thể xưng tội, rước lễ được.
Về việc làm thủ tục ở Tòa Đại Sứ Mỹ thì chị cho rằng cần hình ảnh đám cưới để việc bảo lãnh được nhanh chóng nhưng tôi e rằng sẽ có tác dụng ngược lại. Thông thường khi biết hai người kết hôn đều là Công giáo thì họ đòi xem hình ảnh đám cưới ở nhà thờ chứ ảnh tiệc cưới họ không tin. Nếu chỉ có hình tiệc cưới họ nghi ngờ là hôn nhân giả. Lúc đó các chứng cứ của chị rất khó thuyết phục. Điều này đã từng xảy ra cho một số trường hợp rồi. Tòa Đại Sứ Mỹ rất tin vào sự thành thật của Giáo Hội Công giáo trong lãnh vực này.
Vì thế tôi nghĩ rằng hôn nhân là chuyện hệ trọng cho cả cuộc đời nên không thể vội vàng. Đừng để khi đã bị rối rồi mới lo giải gỡ là điều vô cùng khó khăn, nhiều khi đi đến chỗ bế tắc không lối thoát. Hãy kiên nhẫn chờ đợi kết luận của Tòa án Hôn Phối để có thể tiến hành phép Hôn Phối cách đàng hoàng, chính thức. Lúc đó chị sẽ cảm thấy bình an và tin tưởng hơn; và hạnh phúc đời hôn nhân của chị sẽ được bảo đảm hơn.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R

Không có nhận xét nào: