Nhật Ký của Cha Piô Ngô Phúc Hậu (trang 178 – 181)
Nhóm D (Phạm Văn Lượng và…) chia sẻ ngày 30/4/2013
Chủ đề “Những Khoảng
Trống Còn Lại” có 4 trang nhật ký.
Trang thứ nhất: 42 Tú Xương, ngày 28/11/1995
Cha Piô ghé thăm Soeur Camille, một nữ tu đã bị ung thư gần
hai năm tại 36 Tú Xương. Sắc mặt, hơi thở Soeur mang dáng vẻ mùa thu, nhưng ánh
mắt và nụ cười lại rạng rỡ mùa xuân.
Sau cuộc viếng thăm, trên đường về, lúc bấy giờ đường Tú
Xương hơi vắng, tâm hồn Cha cảm thấy bơ vơ. Bỗng nhiên, một cô gái nạ dòng, quần
lửng, áo hở nách, cười duyên mời “Chú đi chơi không?”. Cha hỏi “Chơi cái gì?”,
sau câu trả lời khoảng 5 giây, Cha hiểu ngay cô gái ấy là ai và cô muốn mời Cha
đi đâu. Cô gái cứ bám sát, mời mọc, năn nỉ… Tới nhà số 42 Tú Xương, Cha chui tọt
vào cổng, và dường như nghe có ai đang chửi sau lưng: “Đồ ngu!”.
Cảm nhận qua sự cố này của Cha được ghi lại trong lá thư ngỏ
gửi Chị Ma-đa-len-na, một phụ nữ ngoại tình trong Kinh Thánh được Chúa đoái
thương, hàm ý rằng,
“một mảnh đất hoang
mênh mông của “những cô gái buôn hương bán phấn” mà Cha chẳng bao giờ dám bén mảng
tới để gieo Tin Mừng.”
(Một cuốn phim trước
1975, Phạm Văn Lượng đã được xem nói về một linh mục trẻ sống với những người
trẻ thác loạn như cô gái nạ dòng trên để loan báo Tin Mừng cho họ. Cung cách cầu
nguyện của Ngài với Chúa Giê-su không mang tính truyền thống như quì gối, chắp
tay, thinh lặng, suy tư… nhưng là một cuộc đối thoại tay đôi với Chúa Giê-su
trên cây thập giá, có những lúc Ngài vung tay, đập bàn, mắt nhìn thẳng vào Chúa
trên tượng chịu nạn để tranh luận v.v… Ở
đây PVL xin mở ngoặc, dĩ nhiên có những linh mục truyền thống, những giáo dân
truyền thống không chấp nhận lối sống của linh mục trẻ trong phim, có lẽ họ
chưa hiểu thâm sâu công việc truyền giáo của Ngài).
Trang thứ hai: 42 Tú Xương, ngày 29/11/1955
Cha Piô đi dạo trên đường Bà Huyện Thanh Quan, ghé photo Hồng
Sơn để thăm một người bà con. Cửa mở, bước vào, nhà vắng tanh như chùa bà Đanh.
Hai phút sau, Cha lui gót. Ghé một quán cà phê. Ngồi thơ thẫn, nhấm nháp, chẳng
có ai để nói chuyện. Bỗng có một ông Tây đi ngang trước quán. Ông đi một mình,
tay vắt sau lưng nhàn nhã. Chân thủng thỉnh, mặt bơ vơ như bất cần đời. Nhưng…
có một chuỗi hột đang đánh đu sau lưng. Ông Tây đang lần chuỗi mân côi. Hôm
qua, Cha gặp một cô điếm. Hôm nay, Cha gặp một ông Tây lần hạt. Cha tự hỏi:
“Có bao nhiêu người
gieo lúa mì và có bao nhiêu người gieo cỏ lùng?”
Phạm Văn Lượng suy nghĩ: Cỏ lùng có lẽ nhiều hơn lúa mì? Nếu
vậy, người gieo cỏ lùng ắt cũng nhiều hơn người gieo lúa mì!?
Trang thứ ba: Cà Mau, ngày 30/11/1995
Cha Piô giả từ căn hộ 42 Tú Xương bằng một tô phở bò tái. Đồng
bàn với Cha là một ông Tây. Bất đắc dĩ gặp nhau, chuyện rời rạc như cơm nguội.
Vốn liếng Pháp văn của Cha đã bị chôn vùi sâu trong dĩ vãng, moi móc mãi mới tạm đủ từ ngữ để trình
bày cho ông Tây thấy rằng, Tin Mừng đang nở rộ ở một số nơi. Đó là nhận định của
Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ. Cha khoe với ông Tây rằng Cha chuẩn bị rửa tội
cho hơn 300 dự tòng vào lễ Phục Sinh năm tới. Cha tưởng ông sẽ rất phấn khởi
đón nhận thông tin ấy, ai ngờ mặt ông lạnh như tiền, nhún vai, trề môi nói một
câu tiếng Pháp với nghĩa rằng,
“Rửa tội chỉ là một bí
tích mà thôi, chẳng nhằm nhò gì đâu!”
-
Cha Piô hỏi: “Như vậy thì người truyền giáo phải làm gì?
-
Ông Tây trả lời: Làm công tác từ thiện đã đủ rồi,
cần gì phải rửa tội”. Công đồng Vat 2 đã tuyên bố: “Ngoài Giáo Hội vẫn có ơn cứu
độ”.
Sau cuộc đối thoại ấy, Cha Piô suy nghĩ:
Làm công tác từ thiện
thì tốt lắm. Nhưng nếu chỉ có thế mà không rao giảng Đức Giê-su, thì công tác
truyền giáo không còn lý do tồn tại. Rỗng tuếch! Cha trích dẫn rằng, nhà truyền
giáo Phê-rô xác quyết rằng dưới gầm trời này chẳng hề có ơn cứu độ, nếu không
có Đức Giê-su. Tông đồ Gioan còn khẳng định mạnh mẽ hơn: Nếu không có Đức
Giê-su thì không có sáng tạo; Đức Giê-su là nguyên lý và là cứu cánh của vạn sự,
là Anpha và O-mê-ga.
Trang thứ bốn, trang cuối cùng chủ đề: Chợ Rẫy, ngày
1/3/1996
Cha Piô bị đột quị đúng một tháng, nằm viện vừa được bốn
ngày.
Một buổi sáng, giáo sư bác sĩ dẫn đoàn sinh viên thực tập đứng
quanh giường Cha. Bài học bắt đầu:
“Cụ đi ra cửa, đi vô, dang tay thẳng ra, nhắm mắt lại, đưa
ngón tay trỏ chấm lỗ mũi, tay phải, tay trái, làm thật nhanh. Cụ cuối đầu xuống
ngực, ngữa ra phía sau, gặc bên phải, bên trái. Có choáng váng không? Được rồi.
Cuối tuần tôi sẽ cho cụ về. Cụ nhớ nhẹ nhàng, chậm rãi mỗi khi đứng lên ngồi xuống.
Phải nghỉ ngơi đấy nhé.”
Sau lời dặn dò của bác sĩ, Cha Piô suy nghĩ:
Nghỉ ngơi là gì? Nghỉ
bao lâu? Đa số bạn bè trả lời rằng, nghỉ là nằm chừng ba tháng. Eo ơi! Ba tháng
nằm chình ình, ăn ngon và ngủ li bì. Ba tháng! Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt
thì nằm chình ình ra đó. Chim chuột sẽ lượm mất hết!
Kết luận của Phạm Văn Lượng:
Phải chăng bốn trang
nhật ký đều thống nhất ý tưởng rằng, có những khoảng trống, những vùng đất còn
lại mà người truyền giáo chưa dám bén mảng đến để loan báo Tin Mừng hoặc vì một
lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà những mảnh đất ấy hiện nay vẫn còn
hoang sơ không có bóng người truyền giáo. Đây là việc của Chúa chứ không phải
việc của người phàm. Việc của Chúa để Chúa lo. Chúa có gọi ai, người ấy sẽ tiếp
tay với Chúa. Chúa có gọi tôi, tôi phải xin vâng ý Chúa.
11 giờ Thứ Hai, 29/4/2013, ngày nghỉ trong tuần
Gioakim Phạm Văn Lượng tóm lược và nêu cảm nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét