CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Tưởng niệm Cuộc Thương Khó tại Gx.ĐMHCG: mở lòng ra để đón nhận ơn cứu độ

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/04/tuong-niem-cuoc-thuong-kho-tai-gx-dmhcg-mo-long-ra-de-don-nhan-on-cuu-do/

VRNs (19.4.2014) – Sài Gòn – “Về phía mỗi người chúng ta, vấn đề là chúng ta có mở lòng ra để đón nhận ơn Cứu độ hay chăng? Chúng ta có nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của cuộc đời chúng ta hay chăng?” đó là những lời mà cha Giuse Nguyễn Trường Xuân, chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đã chất vấn trước cộng đoàn hôm 19/4.
Trong nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó diễn ra lúc 20g00 ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, còn có sự hiện diện của 15 linh mục, các tu sĩ DCCT và các tín hữu trong ngoài giáo xứ.
00:00
00:00

 Audio bài chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Trường Xuân sau bài Thương Khó
Mở lòng ra để đón nhận ơn cứu độ
Trước khi đưa ra lời chất vấn trên, cha Giuse cho biết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban chính con Một của Người. Để tất cả những ai tin vào người Con ấy, thì không phải hư đi nhưng được sống muôn đời (x.Ga 3,16)”
“Thiên Chúa đã phó nộp Người Con duy nhất của Ngài cho chúng ta, và Ngài đã mang lấy cái án chết và là cái chết thập giá.”
Cha Giuse tiếp tục nhấn mạnh: “tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Và nếu Chúa chấp tội thi không ai trong chúng ta được cứu.”
“Nhưng”, cha Giuse cho biết, “Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài. Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay lúc chúng ta còn là tội nhận, như thánh Phaolô đã nói. Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại này” như bài đọc I sách Isaia mô tả.
Nếu như vì sự bất tuân của Ađam và Evà khiến cửa trời đóng lại, khiến con người phải chết thì với “sự vâng phục của Đức Giêsu Kitô, của trời được mở ra. Khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Ngài đã giang rộng đội tay để ôm lấy tất cả nhân loại của chúng ta.”
“Ơn Cứu độ đã được thực hiện qua mầu nhiệm Vượt qua. Qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu.”
“Nhưng mà về phía mỗi người chúng ta,” cha Giuse chất vấn, “vấn đề là chúng ta có mở lòng ra để đón nhận ơn Cứu độ hay chăng? Chúng ta có nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của cuộc đời chúng ta hay chăng?”
“Thập giá vốn là một hình phạt, một cớ vấp phạm đối với người Do Thái, sự điên rồ với người Hy Lạp. Nhưng đối với Thiên Chúa, đó lại là phương thế tuyệt diệu để Thiên Chúa cứu độ chúng ta.”
Như Chúa Giêsu đã mang lấy thập tự và biến đổi thành Thánh giá, giá vinh quang, “xin cho mỗi người chúng ta thực sự đặt trọn vẹn niềm tin tưởng, cậ trông, yêu mến nơi Đức Giêsu Kitô,” cha Giuse kết luận.
Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó được tiếp diễn với phần Kính thờ Thánh Giá, và Rước Lễ.
cha Giuse Nguyễn Trường Xuân cử hành nghi thức suy tôn Thánh Giá
cha Giuse Nguyễn Trường Xuân cử hành nghi thức suy tôn Thánh Giá

đông đảo giáo dân tham dự các nghi lễ phụng vụ trong những ngày này
đông đảo giáo dân tham dự các nghi lễ phụng vụ trong những ngày này

Vác thập giá trong đời sống hàng ngày
Sau khi kết thúc nghi thức lúc 21g30, cha chánh xứ Giuse Hồ Đắc Tâm đã cùng cộng đoàn đi lại 14 chặng Đàng Thánh Giá trong khuôn viên nhà thờ.
Cha Giuse Tâm còn nhắn nhủ cộng đoàn sau chặng thứ 14 đàng Thánh giá: xin “cho chúng ta không chỉ dừng lại ở việc đi Đàng Thánh Giá, mà chúng ta còn nghe theo lời Chúa dạy ‘bỏ mình, vác thập giá trong đời sống hàng ngày của chúng ta.’”
“Ước gì lòng sốt sắng của chúng ta khi chúng ta Chầu Thánh Thể, đi Đàng Thánh Giá được trở thành những hành động thiết thực, khi chúng ta vui lòng đón nhận những thập giá Chúa gửi đến trong đời sống chúng ta, những điều trái ý, những công việc bổn phận chúng ta hoàn thành vì lòng yêu mến Chúa.”
cha Giuse Hồ Đắc Tâm, chánh xứ vác thánh giá khi cộng đoàn đi 14 chặng Đàng Thánh Giá
cha Giuse Hồ Đắc Tâm, chánh xứ vác thánh giá khi cộng đoàn đi 14 chặng Đàng Thánh Giá
0 (10)
Hình ảnh thập giá nâng đỡ đời sống
Khi được hỏi về ý nghĩa của thập giá trong đời sống, chú Anphongsô Lê Thanh Long, một tân tòng thuộc giáo xứ Phú Bình cho biết: “Đối với người Kitô hữu thì nếu mà không có thập giá thì đâu phải là đức tin của người Kitô hữu. Thập giá giống như là cuộc sống của mình vậy. Mất thập giá là mất cuộc sống.”
Chú nói tiếp: “Trong cuộc sống thì cũng có rất nhiều khó khăn, tuyệt vọng. [Khi ấy] chú suy nghĩ tới thập giá, tới Chúa Giêsu,” người đã ban mạng sống mình trên thập giá, “từ đó chú vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.”
Chị Têrêsa Tiên, một huynh trưởng của Gx.ĐMHCG cũng nhận định, hình ảnh thập giá lớn lao mà Chúa phải vác giúp chị vượt qua được nhiều khó khăn. Đối với chị, những thập giá trong cuộc sống là còn quá nhỏ so với thập giá của Chúa.
Chị còn chia sẻ về một kinh nghiệm sống với thập giá, sống với thánh ý Chúa: ”cũng có lần tôi cảm thấy rất là đau khổ khi Chúa ban cho mình những biến cố. Vì quá đau khổ, tôi không còn siêng năng cầu nguyện, khi cầu nguyện chỉ có những lời than trách Chúa thôi!. Tuy nhiên, tôi vẫn không từ bỏ Chúa, vẫn luôn đặt niềm trông cậy, để xác tín mạnh mẽ quyết tâm đi theo Chúa. Tôi vẫn dâng những lời nguyện tắt, đi lễ, mặc dù tâm tình không được như trước. Tôi vẫn bám víu một cách yếu ớt như thế. Thế rồi, những chuyện đau khổ đó đều được giải quyết, và mình có sức mạnh để vượt qua được.”
Từ đó, chị nói tiếp, “mình nhận ra là đôi khi không thể hiểu được thánh ý Chúa. Nhiều khi điều đó không tốt cho mình nhưng là điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Vì thế, tôi tập đón nhận những điều không vừa ý, tuy mất rất nhiều thời gian. Nhưng khi đã quen được với điều đó rồi, tôi cảm thấy tâm hồn được an ủi, nâng đỡ, và nhất là rất bình an.”
Phanxicô Xaviê Trần Quang Tùng thì cho biết, thập giá mang một ý nghĩa thiêng liêng và không giải thích được trong đời sống của anh. Anh nói ngắn gọn: “Trong cuộc sống khi mình gặp những gì khó khăn thì mình nghĩ đến thánh giá, [điều đó làm] mình cảm thấy an tâm.”
Một thanh niên khác thì nói: “khi còn nhỏ, mình cảm thấy sợ thập giá. Khi ba mẹ dẫn đi hôn chân Chúa thì mình sợ lắm. Nhưng mà khi mình hiểu, [mình biết] đó là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mình. Chỉ khi người nào cảm nhận được mới hiểu được. Thập giá là tình yêu, cứu độ.”
Đức Thiện, VRNs

Không có nhận xét nào: